tet-trung-thu-o-trung-quoc-nhu-the-nao
285
Views

Tết Trung thu tại Trung Quốc như thế nào ?

Tết Trung thu là một trong những ngày lễ hội truyền thống đặc sắc được diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch.

Đây là một ngày hội quen thuộc không chỉ có ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng có nhiều hoạt động vui chơi ý nghĩa trong dịp này.

Ở mỗi quốc gia sẽ có một cách đón Trung thu riêng biệt mang đậm màu sắc văn hóa của đất nước đó, nhưng nhìn chung đều mang ý nghĩa hướng tới những điều tốt đẹp, hạnh phúc, vui vẻ.

Đặc biệt, đối với người Trung Quốc, Tết Trung thu được xem là ngày hội quan trọng chỉ sau Tết Nguyên đán. Hãy cùng Du học Trung Quốc Riba khám phá những hoạt động đặc sắc trong ngày tết Trung thu tại Trung Quốc, một đất nước tỷ dân sẽ diễn ra như thế nào trong bài viết sau nhé! 

Nguồn gốc ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc

Ngày Tết Trung thu mang ý nghĩa là một dịp vô cùng quan trọng để người thân trong gia đình dù ở xa đến đâu, cũng sẽ về quây quần bên nhau, cùng sum họp dùng chung một bữa cơm đoàn viên dưới ánh trăng rằm tháng 8.

Về nguồn gốc của ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc thì có rất nhiều, nhưng trong đó được biết đến nhiều nhất phải kể đến là truyền thuyết Hằng Nga – Hậu Nghệ và tích vua Đường Minh Hoàng thưởng lạc cung trăng.

Truyền thuyết Hằng Nga – Hậu Nghệ

Theo các truyền thuyết xưa, ngày Tết trung thu của người Trung Quốc gắn liền đến câu chuyện tình yêu giữa Hằng Nga và Hậu Nghệ. Tương truyền rằng vào thời cổ đại, khi Trái đất có đến 10 mặt trời, khiến người dân phải chịu cảnh lầm than, hạn hán quanh năm.

Lúc này, Ngọc Hoàng đã hạ lệnh cho Hậu Nghệ đi bắn hạ 9 mặt trời. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Ngọc Hoàng đã ban tặng cho chàng một viên thuốc bất tử. Hậu Nghệ đã mang nó về nhà và đặt trong một chiếc hộp giữ gìn cẩn thận.

Nhưng không may, người vợ xinh đẹp của chàng Hằng Nga vì tò mò đã uống viên thuốc và bay lên Mặt Trăng. Hậu Nghệ khi về nhà phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Trên cung trăng, chỉ với một con thỏ ngọc ngày ngày chế thuốc trường sinh làm bạn cùng Hằng Nga.

Từ đó về sau, mỗi năm cứ vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, hai vợ chồng mới được gặp mặt nhau một lần. Cũng vì vậy mà mặt trăng đêm rằm luôn tròn và sáng trong nhất chính là thể hiện niềm vui của sự đoàn viên, hội ngộ của đôi vợ chồng Hằng Nga – Hậu Nghệ sau những tháng ngày dài xa cách.

Tích vua Đường Minh Hoàng thưởng lạc cung trăng

Theo một tương truyền khác, vào thời vua Đường Minh Hoàng (hay Đường Huyền Tông) vào một đêm Rằm tháng 8 âm lịch, trăng sáng trong tròn vành vạnh, khí trời mát mẻ, ông đã được dịp được lên cung trăng vui chơi hưởng lạc và thưởng thức điệu múa tuyệt đẹp của các tiên nữ.

Sau khi trở lại dân gian còn nhiều vấn vương, nhà vua đã ra lệnh cho người dân tổ chức tiệc tùng, ăn chơi náo nhiệt, uống rượu ngắm trăng và các cung nữ múa khúc Nghê Thường Vũ Y để kỷ niệm ngày này. Cũng từ đây mà ngày Tết Trung thu với những hoạt động thú vị đã ra đời và lưu truyền cho đến ngày nay.

Tết Trung thu ở Trung Quốc như thế nào ? - Riba.vn

Các phong tục truyền thống trong ngày Tết Trung thu của người Trung Quốc

Vào đêm trăng rằm sáng nhất trong năm 15/8 Âm lịch, người Trung Quốc sẽ đón Tết Trung thu với rất nhiều hoạt động sôi nổi và đặc sắc như sum họp gia đình, cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đoàn viên, ăn bánh Trung thu, thưởng nguyệt, thả đèn, xem múa lân,…

Ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương khác nhau của Trung Quốc sẽ có những phong tục đặc trưng riêng. Nhưng tất cả cùng hướng đến một ý nghĩa đoàn viên, vui vẻ, hạnh phúc.

Gia đình đoàn viên, sum vầy

Ở Trung Quốc, Tết Trung thu còn được biết đến như ngày Tết đoàn viên, vì đây là dịp mà tất cả các thành viên trong gia đình dù ở nơi đâu xa cũng trở về, sum vầy, tụ họp, cùng quây quần ăn bữa cơm đoàn viên.

Rồi ngồi lại bên nhau cùng ngắm trăng và cùng thưởng thức những chiếc bánh trung thu. Trẻ nhỏ có thể vui đùa bằng các trò chơi, hoạt động rước đèn lồng. Đèn lồng đỏ còn được treo ở trước cửa nhà và trên khắp các dãy phố lung linh và ấm áp.

Đặc biệt vào ngày này ở Trung Quốc còn có các tiếp mục biểu diễn múa lân, múa rồng phun lửa, các chú tễu nhảy múa. Mà theo người dân Trung Quốc quan niệm rằng rồng lửa là linh vật mang lại nhiều may mắn, bình an cho cả gia đình.

Ngắm trăng

Vào đêm Trung thu, tục ngắm trăng đã có từ rất lâu. Trăng rằm đêm Trung thu tròn vành, sáng trong thật là điều thiếu sót nếu không thưởng thức được khung cảnh tuyệt diệu này.  

Theo các sử sách xưa ghi chép lại, tục ngắm trăng dẵ có từ thời nhà Chu. Hằng năm cứ đến ngày rằm, người dân đều tổ chức hoạt động cùng nhau ăn uống và thưởng nguyệt. Trên bàn tiệc sẽ bày biện các món ăn như bánh Trung thu, dưa hấu được tỉa thành hình hoa sen, táo đỏ, mận, nho…

Trong đó, bánh Trung thu và dưa hấu là hai thứ không thể thiếu. Đến thời Đường, việc thưởng nguyệt, vui chơi đêm hội trăng rằm lại càng trở nên thịnh hành. Sang đến thời nhà Tống, phong tục này lại càng được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ hơn nhiều.

Sau thời Minh Thanh, tập tục ngắm trăng vẫn được duy trì như cũ, nhưng ở nhiều nơi còn hình thành thêm tục thắp hương cầu khấn, dựng cây Trung thu, thắp đèn tháp, thả đèn trời, đi dạo dưới trăng, múa lân…

Đến ngày nay, vào mỗi dịp Tết Trung thu, người dân Trung Hoa sẽ cùng nhau đổ ra đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của trăng rằm. Khoảnh khắc mặt trăng nhô lên cao và tròn nhất được xem là thời khắc vô cùng thiêng liêng, biểu trưng cho sự tròn đầy, viên mãn và những điều tốt đẹp nhất của đất trời sẽ dành đến cho ai đang thưởng nguyệt.

Tết Trung thu ở Trung Quốc như thế nào ? - Riba.vn

Ăn bánh Trung thu

Bánh Trung thu là một món ăn không thể thiếu không ngày Tết Trung thu.

Ban đầu, những chiếc bánh trung thu chỉ được xem như vật cúng tế thần linh, nhưng mãi đến sau này người ta đã xem việc ăn bánh cùng gia đình và ngắm trăng là những hoạt động vô cùng quan trọng và ý nghĩa vào mỗi dịp Trung thu. Điều này tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp, đem lại may mắn, bình an cho các thành viên trong gia đình.

Theo các nhà sử học cho rằng, chiếc bánh Trung thu lần đầu tiên xuất hiện là vào thời nhà Đường, lúc này vỏ bánh bên ngoài được làm bằng bột mì, ít hương vị, bao bọc khối nhân rất ngọt là trứng muối bên trong và hơi có dầu.

Ngày nay, vỏ và nhân bánh Trung thu đã được biến tấu rất phong phú với nhiều hương vị lạ để phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng thực khách khác nhau và sự thưởng thức bánh cũng không bị nhàm chán.

Hơn thế nữa, trong mâm cỗ đêm trăng rằm của người Trung Quốc, không chỉ có bánh Trung thu mà còn có sự đa dạng và độc đáo của nhiều loại bánh mức ngon, thể hiện đong đầy, sung túc cũng như nét đặc sắc ẩm thực Trung Hoa.

Tế trăng

Tế trăng là tập tục đón Tết Trung thu của Trung Quốc có từ thời cổ đại. Hoạt động này bắt nguồn từ một câu chuyện tương truyền tại nước Tề thời đấy, có một cô gái dung mạo xấu xí nhưng tài đức vẹn toàn.

Từ nhỏ cô bé đã rất tôn kính và thường cầu khấn thần mặt trăng. Khi trưởng thành, cô được tuyển vào cung nhưng không được nhà vua để tâm, ân sủng. Vào một đêm rằm tháng 8, khi nhà vua đang đi dạo thưởng nguyệt trong vườn thì nhìn thấy nàng và bị say mê bởi vẻ đẹp thanh cao, thuần khiết đã lập tức sắc phong cho nàng làm hoàng hậu.

Từ đấy, nữ nhi trong thiên hạ đều bắt đầu cúng trăng vào đêm trăng rằm để cầu mong đạt được ý nguyện mong muốn, có vẻ đẹp thanh thuần như Hằng Nga, trắng sáng lung linh đẹp tựa mặt trăng đêm rằm.

Thả đèn

Vào đêm trăng rằm 15/8 Âm lịch, người Trung Quốc sẽ có hoạt động thả đèn lòng trên sông hoặc thả đèn Khổng Minh bay lên trời để cầu bình an, may mắn, những điều tốt lành nhất đến với bản thân, gia đình và bạn bè.

Những chiếc đèn lồng với nhiều hình dáng khác nhau như hoa sen, chiếc thuyền, hình trụ,…sẽ được làm từ giấy dầu xếp thành, bên trong sẽ đặt vào một ngọn nến. Sau đó cùng nhau được thả xuống sông hoặc thả bay cao lên trời. 

Trong lúc thả đèn mọi người sẽ thành tâm cầu nguyện, mong muốn những chiếc đèn sẽ mang ước nguyện của mình bay thật cao, đi thật xa và trở thành hiện thực.

Đây là một trong những hoạt động rất ý nghĩa mà được mọi người đặc biệt mong chờ trong đêm Trung thu, nhất là các thiếu nữ với trẻ nhỏ.

Tết Trung thu ở Trung Quốc như thế nào ? - Riba.vn

Giải câu đố

Một hoạt động khác trong đêm Trung thu cũng được nhiều các nam thanh nữ tú ở đất nước tỷ dân này ưa chuộng đó là cùng nhau giải câu đố. Các câu đố sẽ được treo trên những chiếc đèn lồng được đặt ở những khu vui chơi hay trên những con phố đang diễn ra ngày hội.

Mọi người sẽ cùng nhau thử sức mở câu đố và bàn luận để tìm lời giải đáp. Người tìm ra đáp án sẽ nhận được những món quà tặng bất ngờ ý nghĩa từ những người tổ chức. 

Đây cũng là cơ hội để các chàng trai cô gái xa lạ nhưng có cùng sở thích tham gia hoạt động này, có thể gặp gỡ nhau cùng trao đổi, giao lưu và khởi đầu cho không ít những câu chuyện tình yêu đẹp.

Ngày nay, ở Trung Quốc phong tục giải câu đố trong đêm Trung thu còn trở thành một trong những cách để bày tỏ tình yêu tinh tế và ý nhị của các cặp đôi hiện đại. 

Tết Trung thu là ngày hội lớn ở đất nước đông dân nhất thế giới này, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mà ẩn chứa trong đó chính là những giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời đã được người dân Trung Quốc lưu giữ và phát huy đến ngày hôm nay.

Ở mỗi vùng miền của Trung Quốc vào ngày này sẽ có những hoạt động đặc trưng riêng. Các bạn du học sinh có hào hứng muốn đến ngay Trung Quốc để được trải nghiệm thực tế ngày Tết Trung thu tại quốc gia này xem như thế nào ngay không!

Hãy dành tặng tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền!

Thông tin liên hệ Riba

Chuyên mục:
Khám phá

Tất cả bình luận

Comments are closed.