tu-hop-vien-net-dep-kien-truc-co-dien-trung-quoc
4541
Views

Tứ hợp viện - Nét đẹp kiến trúc cổ điển Trung

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng từng có ước mơ được đặt chân đến Trung Quốc du lịch, được ngắm nhìn vẻ mỹ lệ huyền bí của Bắc Kinh, được tận mắt chứng kiến nét đẹp của Tử Cấm Thành, Thiên An Môn, đền Thiên Đàng, Cố Cung và còn vô số những địa danh, điểm đến hấp dẫn được phủ đầy lớp bụi thời gian qua tầng tầng lớp lớp triều đại phong kiến vua chúa.  

Tất cả những dấu ấn cổ xưa nguyên thủy này nếu chú ý một chút bạn sẽ phát hiện bóng dáng tương đồng của một kiểu kiến trúc đặc trưng truyền thống dân tộc Hán nhuốm thêm sắc màu huyền bí của thuật phong thủy, kiểu kiến trúc ấy không đâu khác chính là “Tứ hợp viện”- nét kiến trúc điển hình đặc trưng cho nét văn hóa kiến trúc cổ của Trung Quốc. 

Hôm nay hãy cùng Riba đi tìm hiểu về nét văn hóa kiến trúc cổ đại mang tên “Tứ hợp viện” này nhé.

Tứ hợp viện - nét đẹp kiến trúc cổ điển Trung Quốc - Riba.vn

Lịch sử hình thành Tứ hợp viện Trung Quốc

Như văn kiện cổ đại ghi chép lại, “ Tứ hợp viện” xuất hiện từ thời Đông Chu, đến nay đã có khoảng hơn 2000 năm lịch sử. Trải qua những biến động của lịch sử, những triều đại khác nhau, nó lại mang trong mình những đặc điểm khác nhau.

Như bước sang triều đại nhà Hán, kiến trúc Tứ hợp viện đã có bước phát triển mới và chịu ảnh hưởng của thuyết phong thủy, từ chọn địa điểm đến bố cục xây dựng Tứ hợp viện, đã có cả một cẩm nang về âm dương ngũ hành.

Tứ hợp viện Trung Quốc
Tứ hợp viện Trung Quốc

Tứ hợp viện của đời Đường đã kế thừa truyền thống của đời Đông Hán, Tây Hán và truyền sang đời Tống và đời Nguyên, với bố cục là trước hẹp, sau rộng. Đến đời Nguyên, Tứ hợp viện ngày càng hoàn thiện hơn, và Tứ hợp viện truyền thống của Bắc Kinh ngày nay đã được xây dựng một cách quy mô trong thời kỳ này.

Bước sang đời Minh-Thanh, đã hình thành Tứ hợp viện Bắc Kinh một cách vô cùng độc đáo, mà Tứ hợp viện của đời Thanh càng cầu kỳ hơn so với Tứ hợp viện đời Minh. Cho đến nay, dọc hai bên đường từ Đông Đơn đến Ung Hòa Cung, từ ngõ Nam La Cổ đến ngõ Bắc La Cổ, từ Tây Đơn đến Tân Nhai Khẩu Bắc Kinh vẫn bảo tồn được một số Tứ hợp viện khá cầu kỳ.

Khái niệm và phân loại Tứ hợp viện Trung Quốc

Tứ hợp viện là gì?

Tứ hợp viện còn được gọi là Tứ hợp phòng, là một hình thức kiến trúc tổ hợp của nhà dân vùng Hoa Bắc Trung Quốc, với bố cục là xây nhà bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, thông thường gồm có nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông – Tây và nhà đối diện với nhà chính, nhà bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa.

Tứ hợp viện - nét đẹp kiến trúc cổ điển Trung Quốc - Riba.vn

Phân loại tứ hợp viện Trung Quốc

Tứ hợp viện phân bố rộng rãi ở khu vực phía Nam và phía Bắc Trung Quốc. Do địa hình khí hậu khác biệt, nên tứ hợp viện ở phía Nam và phía Bắc Trung Quốc lại hoàn toàn khác nhau, mang những đặc điểm riêng biệt của từng khu vực. Ví dụ như chúng ta nhìn thấy thiết kế sân vườn ở Tứ hợp viện phía Nam và phía Bắc Trung Quốc là rất khác biệt, diện tích lớn nhỏ khác nhau, ngay cả tác dụng cũng khác nhau. 

Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nắng nóng mưa nhiều và các yếu tố thời tiết khác, thiết kế sân vườn của tứ hợp viện phía Nam Trung Quốc cũng khá là nhỏ. Bốn dãy nhà ở bốn phía tạo nên một khoảng sân nhỏ, nếu như chúng ta nhìn từ trên xuống thì cảm tưởng giống như một cái giếng. 

Khoảng không gian này là nơi để cung cấp ánh sáng, đón gió và phù hợp để thoát nước. Bởi như chúng ta đã biết khí hậu phía Nam Trung Quốc là khí hậu nhiệt đới gió mùa, khá là giống với Việt Nam của chúng ta, nơi đây quanh năm mưa nhiều, độ ẩm lớn, vì vậy khi xây dựng “Tứ hợp viện” nơi đây cần chú ý đến hệ thống thoát nước để tránh trường hợp nước tràn vào nhà. 

tu-hop-vien
Tứ hợp viện Trung Quốc

Tuy nhiên phía Bắc Trung Quốc lại hoàn toàn khác, nơi đây khí hậu ôn đới, lượng mưa khá ít hơn nữa lạnh giá quanh năm, xây dựng nhà ở  nơi đây yêu cầu cần phải đủ ánh sáng để sưởi ấm và có thể tích nước cho quá trình sinh hoạt. 

Vì vậy “Tứ hợp viện” ở phía Bắc Trung Quốc chúng ta sẽ nhìn thấy có sân khá là rộng, cửa cũng khá là cao để ánh nắng có thể dễ dàng chiếu vào. Trong các loại hình “ Tứ hợp viện”, thì “Tứ hợp viện” tại Bắc Kinh được coi là biểu tượng đặc trưng nhất và tiêu biểu nhất.

Tứ hợp viện là khuôn viên hình vuông hoặc hình chữ nhật, tức là 3 tòa kiến trúc gồm nhà chính và nhà ngang hướng Đông- hướng Tây được khép kín bằng dãy nhà có cửa ở phía trước. 

Tứ hợp viện hình chữ “Khẩu” (口) được gọi là Nhị tiến Nhất viện; Tứ hợp viện hình chữ “Nhật” (日) được gọi là Tam tiến Nhị viện; Tứ hợp viện hình chữ “mục” (目) được gọi là Tứ tiến Tam viện. 

Nói chung, trong một sân vườn, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, tam tiến hoặc sau tam tiến là phòng ngủ hoặc nhà trong, tức không gian hoạt động của phụ nữ và gia quyến, người thường không được tùy tiện bước vào.

Cấu trúc của một “Tứ hợp viện”

tu-hop-vien
Cấu trúc của một Tứ hợp viện Bắc Kinh

Một “Tứ hợp viện” Bắc Kinh theo tiêu chuẩn sẽ được xây dựng ở phía Bắc và hướng về phía Nam, cửa nhà chếch về phía Đông Nam. Phía Nam có 5 căn phòng, cửa chính được đặt ở ngoài cùng phía Đông, phía bên cạnh của cửa chính là gian nhà đầu tiên.

Từ cửa chính bước vào, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay một bức bình phong. Phía trước bức bình phong chúng ta sẽ nhìn thấy một cánh cửa, đi qua cánh cửa này sẽ dẫn chúng ta đến các gian nhà ở. Tùy theo cấu trúc lớn nhỏ chia ra các loại hình “ tứ hợp viện” khác nhau.

Trong đó phổ biến là Tứ hợp viện một sân (như dạng tượng hình chữ khẩu 口); tứ hợp viện hai sân (như dạng tượng hình chữ nhật 日); tứ hợp viện ba sân (như dạng tượng hình chữ mục 目), ngoài ra còn có tứ hợp viện thiết kế lớn nhất có thể lên đến 7 sân hoặc 9 sân.

Theo phong thủy, “tọa bắc hướng nam” để ánh sáng luôn có trong nhà, tránh được cát bụi bay vào.  Nên gian chính của gia chủ là gian bắc đối diện hướng nam cũng tức là đối diện cửa ra vào (gọi là chính phòng). Hai bên là chái nhà, mặt trời hướng vào ít hơn (gọi là sương phòng). Giữa chính phòng và sương phòng nối liền nhau bởi hành lang có mái ngói lợp liền kề. 

Chính phòng (bắc phòng): xây trên nền gạch đá, rộng hơn các gian phòng khác và gian chính của chủ nhà, cũng là gian tập trung họp mặt gia đình. Sương phòng (đông phòng và tây phòng): gian cho con cháu. Nam phòng: dành tôi tôi tớ hoặc chứa vật dụng sinh hoạt.

Tuy nhiên từ góc độ khách quan nhìn nhận, thiết kế của Tứ hợp viện không thật sự khoa học. Ngoài 3 căn phòng ở phía Bắc, các căn phòng khác đều có nhược điểm riêng.

Ngày xưa người Bắc Kinh truyền nhau câu nói rằng “Có tiền không ở phía Đông, Nam, mùa đông không ấm, mùa hè không mát”. Bởi vì sương phòng ở phía Đông, mùa hè rất nóng. Khi mùa Đông đến gió phía Tây Bắc thổi đến rất là lạnh. Căn sương phòng ở phía Nam thì càng không tốt, cửa chính và cửa sổ đều đặt ở phía Bắc vì thế ánh sáng khó có thể chiếu vào.

Căn sương phòng phía Tây mặc dù tốt hơn phía Nam và phía Đông, tuy nhiên vào mùa hè ở đây cũng rất nóng. Chỉ có duy nhất căn dãy nhà theo phía Bắc là đáp ứng được tiêu chí mùa đông không lạnh, mùa hè không nóng, có ánh sáng đầy đủ.

Tứ hợp viện - nét đẹp kiến trúc cổ điển Trung Quốc - Riba.vn

Đặc điểm của Tứ hợp viện Trung Quốc

Ngắm nhìn kiến trúc Tứ hợp viện chúng ta có thể thấy được rằng quan niệm phong kiến và sự phân biệt tầng lớp được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài của Trung Quốc, hơn nữa nó cũng phần nào phản ánh sự coi trọng tôn ti trật tự vai vế trong gia đình của người Trung Quốc

Xung quanh 4 phía của sân là 4 bức bình phong, vì thế người bên ngoài không thể nhìn thấy hoạt động bên trong sân, ngược lại người bên trong cũng không nhìn thấy hoạt động bên ngoài. Cả một thế hệ sinh sống với nhau trong tứ hợp viện,  họ rất ít có hoạt động giao tiếp với bên ngoài.

Hơn nữa bình thường cửa chính đều đóng. Vì thế có thể nói “Tứ hợp viện” phản ánh một cách vô cùng rõ lối sống khép kín mang đậm phong cách truyền thống của Trung Quốc thời kì trước.

Đặc điểm tiếp theo chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được đó là việc sắp xếp phòng ở là theo một quy định nhất đinh. Về bố cục, phòng chính sẽ cao hơn trắc phòng, diện tích cũng sẽ rộng hơn. Nơi này thường được sắp xếp cho trưởng bối trong nhà, con cháu sẽ ở sương phòng hoặc là 2 bên phòng giáp với chính phòng.

tu-hop-vien
Đặc điểm của Tứ hợp viện Trung Quốc

Việc sắp xếp phòng ở sẽ dựa theo tuổi tác, từ lớn đến bé, có quy định vô cùng rõ ràng. Cách sắp xếp như vậy không chỉ làm nổi bật địa vị của các trưởng bối trong nhà, hơn thế nó còn phần nào hình thành tôn ti trật tự vai vế trong dòng họ, làm toát lên sự phân biệt giai cấp, tầng lớp một cách rõ nét.

Các gian phòng của Tứ hợp viện kết hợp lại tạo thành một khoảng sân nhỏ ở giữa. Nơi đây được coi là nơi vui chơi giải trí, nơi quây quần,tụ họp của cả đại gia đình. Nơi đây đem lại cho người sống ở đây một cảm giác tách biệt với thế giới bên ngoài, hòa mình vào không gian yên bình, trong lành và tĩnh lặng.

Khái niệm “hồ đồng”

Hồ đồng (Hutong 胡同) tạm dịch là lối đi nhỏ. Do cấu trúc tứ hợp viện quay mặt vào khu điền sảnh, các tứ hợp viện cứ theo cấu trúc ấy xây liền nhau tạo thành thành dãy những con đường hẹp, hẻm nhỏ độc đáo. Ngày nay, khi du lịch Trung Quốc đến Bắc Kinh, bạn sẽ thấy hồ đồng luôn nằm trong những điểm đến nổi tiếng. Hồ đồng lớn nhất rộng khoảng 4m, hồ đồng nhỏ có khi chỉ 40cm chỉ vừa đủ 1 người đi.

Khi du lịch Trung Quốc, bạn sẽ phát hiện tên gọi hồ đồng ở đây cũng được đặt rất bình dị: hẻm Giấm (Cuzhang Hutong), hẻm Bánh hạt dầu mè (Shaobing Hutong), hẻm Túi áo (Koudai Hutong), hẻm Giếng (Jinger Hutong), hẻm Chợ tiền (Qianshi Hutong), hẻm Con vịt (Yaer Hutong), hẻm Cây liễu (Liushu Hutong)…

Ngày nay do mật độ dân số ở đất nước du lịch Trung Quốc tăng cao nên tứ hợp viện và hồ đồng không đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại. Nhiều tứ hợp viện và hồ đồng bị phá bỏ để xây dựng chung cư hoặc thay đổi nội thất bên trong để làm khách sạn, quán cà phê…

Tứ hợp viện - nét đẹp kiến trúc cổ điển Trung Quốc - Riba.vn

Tuy nhiên, những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã quyết định cho bảo tồn diện mạo lịch sử văn hóa phố cổ. Nếu nói Bắc Kinh là hạt nhân của du lịch Trung Quốc thì “tứ hợp viện”, “hồ đồng” được xem là linh hồn của Bắc Kinh.

Đặt chân đến nơi đây bạn mới cảm nhận lớp bụi thời gian và vẻ đẹp kiến trúc cũng như tài năng của người xưa. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói “Nếu không có hồ đồng, văn học Trung Quốc sẽ giảm đi một nửa phần đặc sắc”. Văn hóa một khi trở thành quá khứ, có thể phai mờ nhưng không bao giờ mất đi. Tứ hợp viện và hồ đồng chính là tuổi thơ ngọt ngào của biết bao thế hệ người dân Trung Quốc xưa. Nét đẹp được nhuốm màu huyền thoại của thời gian.

Trên đây là bài viết tìm hiểu về kiến trúc Tứ hợp viện Trung Quốc. Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn hoàn thiện hơn, tổng quan hơn về công trình kiến trúc mang đậm phong cách cổ điển Trung Quốc này nhé!

Hãy dành tặng tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền!

Thông tin liên hệ Riba

Thẻ Tags:
Chuyên mục:
Khám phá

Comments are closed.