Con đường từ thất bại đến 3 học bổng thạc sỹ toàn phần, 2 học bổng giao lưu ngắn hạn
Thất bại là mẹ thành công, chỉ cần không từ bỏ, cố gắng hết sức vì mục tiêu đã đặt ra thì chắc chắn thành công sẽ đến với bạn. Cùng Du học Trung Quốc Riba lắng nghe câu chuyện về con đường từ thất bại đến 3 học bổng thạc sỹ toàn phần, 2 học bổng giao lưu ngắn hạn của một thành viên Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc qua bài viết dưới đây nhé!
Tính từ mùa apply học bổng năm ngoái, tạm tính từ khoảng tháng 5 đến tháng 6 mình không nhớ chính xác nữa, khoảng thời gian mà mình biết là mình trượt Học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC) dạng hiệp định vì một sự bất công đến khó tin, có thể được coi là dấu mốc của sự thất bại.
Lần trước khi mình viết bài công khai vụ việc và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cũng có người hỏi sao mình không apply những học bổng khác nữa mà chỉ trông chờ vào mỗi học bổng đấy.
Thực ra mình có apply thêm 2 học bổng nữa, một là Học bổng Chính phủ Đài Loan (MOE), hai là Học bổng Học viện Khổng Tử (CIS), nhưng mình lại khá bị động trong việc apply. Học bổng MOE thì mình chọn trúng chương trình dạy bằng cả tiếng Anh và tiếng Hoa do mình cũng không quan tâm lắm là dạy bằng tiếng gì.
Nhưng lúc đó mình chỉ có mỗi IELTS chứ chưa thi TOCFL (chứng chỉ Hoa ngữ được Đài Loan công nhận), sau khi nhận được sự giải đáp mang tính chủ quan của một anh tại Văn phòng Đài Bắc thì mình đã chắc chắn là chỉ cần IELTS là được nên chủ quan không thi thêm TOCFL nữa, chỉ đến khi phỏng vấn với Tham tán Giáo dục thì ông ấy mới cho mình biết là vẫn cần TOCFL và còn đi hỏi lại lịch thi TOCFL gần nhất cho mình nhưng lịch gần nhất thì cũng vẫn là không kịp.
Còn học bổng CIS thì ban đầu mình không có dự định apply do toàn là chương trình giảng dạy Hán ngữ nên mình không có hứng thú, về sau có một chương trình mới mà năm ngoái lần đầu xuất hiện là Hán ngữ + Kinh doanh quốc tế nên mình mới apply, khi nắm được thông tin thì lúc đó cũng khá muộn mà CIS thì luôn yêu cầu thêm chứng chỉ HSKK (chứng chỉ khẩu ngữ tiếng Hán) nên mình không thi kịp.
Nói chung cả hai học bổng này thì mình đều vướng mắc chỗ chứng chỉ, tất nhiên, có chứng chỉ cũng chưa chắc sẽ đỗ, nhưng không có chứng chỉ thì đã là trượt ngay từ đầu rồi. Lỗi chẳng phải tại ai khác, một là tại mình xui, hai là tại mình cũng ngu.
Thực ra nghe sự thất bại liên hoàn này thì thảm hại và bi kịch thật đấy, nhưng mình vẫn tự an ủi rằng chắc chắn có một con đường khác dành cho mình, một định mệnh khác tốt đẹp hơn đang chờ mình phía trước, nên mình vẫn bước tiếp thôi. Mỗi ngày lại cố gắng thoát ra khỏi bóng đen của sự thất bại, thất vọng và đen đủi vẫn đè nặng.
Mình coi một năm gap year là một món quà của thượng đế, một năm nay mình có thời gian để tĩnh lại, khám phá ra các khía cạnh khác của bản thân, hiểu rõ bản thân hơn, từ đó đầu tư và tích lũy cho bản thân nhiều hơn.Không đỗ học bổng đi du học, mình vào miền Tây làm việc, vì muốn khám phá một mảnh đất mới.
Đi làm rồi mới nhận ra mình thực sự khát khao được đi học tiếp đến chừng nào, tuy ở công ty công việc thuận lợi, được các sếp khen ngợi, đồng nghiệp yêu quý, môi trường hoàn hảo, nhưng đây không phải ngành mình muốn phát triển, ngành mình muốn phát triển chính là ngành mình muốn đi học ở bậc thạc sỹ – ngành kinh doanh quốc tế, đấy là lý do mình bắt buộc phải đạt được học bổng.
22 tuổi, mình cũng không muốn bố mẹ phải tiếp tục chu cấp cho mình. Trước đây mình đã từng biết đến một start-up chuyên cung cấp các khóa học phục vụ cho việc apply học bổng, được dẫn dắt bởi các anh chị mentor hiện là du học sinh ở các nước châu Mỹ, châu Âu,.., nhưng tiếc là phải đến khi mình cũng apply hòm hòm các học bổng năm 2019 rồi thì mới biết đến start-up này (mình xin phép không nhắc tên để tránh quảng cáo trong group nha).
Nhưng không có sự bắt đầu nào là muộn màng cả, sau khi vào miền Nam thì mình đăng ký hai khóa học, một là một khóa tổng hợp tất tần tật về apply học bổng, từ tìm học bổng thích hợp cho đến viết CV, viết luận, chuẩn bị thư giới thiệu,…; và một khóa interview.
Thế là thời gian làm việc ở đây, mỗi ngày mình đến công ty lúc 6h sáng, đọc sách hoặc tự học tiếng Anh đến 7h thì vào làm, ngày làm việc 10 – 12 tiếng, tối về học lớp apply học bổng. Ở đây mình sẽ nói cụ thể hơn các anh chị mentor đã giúp mình thay đổi như thế nào.
Có người hỏi rằng mình còn phải học apply học bổng làm gì, vì background của mình tốt, nhưng học rồi thì mình càng chắc chắn một điều rằng: có thể background của bạn tốt, nhưng điều quan trọng hơn là bạn vẫn cần phải chứng minh cho người ta thấy bạn giỏi thực sự, có đam mê thực sự và định hướng rõ ràng, những thứ này không hiển thị trên bảng điểm, hay những tờ giấy chứng nhận bạn đạt được, chúng thể hiện trên CV, bài luận và thư giới thiệu.
Ba yếu tố này chính là những giá trị mà mình tâm đắc nhất khi được học cùng các anh chị mentor.
CV
CV của mình năm 2019, trông thì có vẻ trình bày đẹp, chuyên nghiệp, nhưng không phải CV học thuật.
CV của mình năm 2020, thông qua một lần được chữa bài tập, một lần được call video riêng với một anh mentor và được anh chữa kỹ hơn nữa, đã trở thành một CV học thuật đúng nghĩa, đủ dài, đủ chi tiết để người đọc có thể hình dung ra cụ thể mình đã làm được những gì trong những năm qua, chứ không chỉ là chép lại tên của tập giấy chứng nhận..
Bài luận (kế hoạch học tập)
Bài luận của mình năm 2019, cả CSC, MOE và CIS đều yêu cầu một cái study plan, mình cũng đơn thuần viết một cái study plan, nói về lý do khiến mình chọn ngành và kế hoạch cho từng năm. Bài luận của mình năm 2020 đã có sự khác biệt rất lớn.
Dù được yêu cầu là study plan, nhưng mình đã viết một bài dài 3 trang kiểu như personal statement kết hợp với study plan.
Bắt đầu từ những quan sát của mình khi còn nhỏ về cách làm kinh tế của những người dân tộc ở địa phương, cho đến những trăn trở, băn khoăn khi lớn lên, lồng ghép với những chương trình đi giao lưu, trao đổi và thực tập nước ngoài mình đã từng tham gia, thậm chí những trải nghiệm đặc biệt của bản thân như cho người nước ngoài đến du lịch ở nhờ từ năm 15 tuổi, hay đã từng đi du lịch nhiều quốc gia.
Tất cả những trải nghiệm đó mình viết trên mạch chuyện nhằm đi đến định hướng sự nghiệp và ước mơ của cuộc đời mình – khởi nghiệp, sau đó mới viết đến kế hoạch học tập của từng năm kèm theo đề tại dự định nghiên cứu và ý nghĩa của chủ đề đó đối với định hướng sau tốt nghiệp.
Thư giới thiệu
Thư giới thiệu của mình năm 2019, cả hai bức đều là do mình viết rồi mới xin chữ ký thầy cô, hai bức đều có nội dung chung chung, gần như là chuyển từ CV thành dạng văn xuôi, về cơ bản là kể ra một loạt thành tích dưới góc nhìn từ một người khác.
Thư giới thiệu của mình năm 2020, mỗi bức thư là một câu chuyện khác nhau, một bức chú trọng làm nổi bật khả năng leadership khi mình tham gia một cuộc thi ở trường, một bức thì tập trung nói về sự kiên trì, nỗ lực hướng tới mục tiêu khi mình nỗ lực học tiếng Trung cả năm nhằm chủ động đăng ký đại diện đoàn giao lưu của trường đi thi thuyết trình tiếng Trung trong một chương trình ở Trung Quốc.
Tất nhiên, ngoài câu chuyện chính thì mỗi bức thư vẫn nói lên những mặt khác mà thầy cô đã tiếp xúc với mình, ví dụ như về việc mình làm cán bộ hội sinh viên, hoặc về việc thầy cô giảng dạy mình môn nào đó và mình đã thể hiện như thế nào,… là những phần phụ để khắc họa bức tranh về bản thân mình một cách rõ nét hơn.
Một vài câu không thể nói hết được những điều mình học được từ các anh chị, ngoài những ý nghĩa chính mà mình đã nói, còn có những điều nhỏ nhặt mà mọi người thường bỏ qua, học rồi và vận dụng rồi mới biết chính những điều nhỏ bé làm nên sự khác biệt và đóng góp nên sự thành công cuối cùng.
Vậy mình đã apply thành công những học bổng gì? Cụ thể quá trình apply của mỗi học bổng được viết trong caption mỗi ảnh dưới đây nha!
Thông tin liên hệ Riba
- Lô 22, BT 4-3, đường Trung Thư, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Email: admin@riba.vn
- Fanpage: Du học Trung Quốc Riba.vn
- Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc
- Group: Du học Trung Quốc NHƯ THẾ À ?!
- Tiktok: Duy Riba
- Youtube: Riba Team Official
- Hotline: 0888 666 350
- Hotline: 0888 666 152