Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Khổng Tử
Học bổng Khổng Tử là học bổng vô cùng giá trị và được săn đón hàng đầu. Tuy nhiên để xin được học bổng này các bạn sẽ phải trải qua cả một quá trình chạy đua thời gian bằng tất cả tâm huyết và sức lực của bản thân. Và khâu được đánh giá là quan trọng nhất quyết định đưa bạn đến với chìa khóa lấy học bổng Khổng Tử chính là PHỎNG VẤN.
Hãy cùng Riba tìm hiểu xem và học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Khổng Tử mà bạn Tú – một bạn thành viên Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc đã chia sẻ nhé.
Chào các bạn, mình đã hoàn thành buổi phỏng vấn với đại diện Viện Quốc Tế (Đại học Hồ Bắc) về hồ sơ xin học bổng Khổng Tử năm 2019 và muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm với mọi người. Như các bạn đã biết, không phải trường nào cũng sẽ phỏng vấn ứng viên nộp đơn xin học bổng 1 năm tiếng và nếu có thì cũng rất khác nhau. Do đó, bài viết này chỉ là kinh nghiệm cá nhân của mình, mọi người đọc để tham khảo thôi nhé. – Kinh nghiệm Apply học bổng Khổng Tử
Ở thời điểm viết bài này, hồ sơ của mình cũng mới chỉ dừng ở bước 4 (奖学金评审). Theo chia sẻ từ thầy giáo phụ trách tuyển sinh thì bước 4 mới chỉ là giai đoạn hội đồng xét duyệt học bổng bắt tay vào thẩm định lần cuối hồ sơ, dựa trên những giấy tờ bạn cung cấp và chất lượng buổi phỏng vấn với trường đại diện. Do đó, bước 4 cũng chỉ tương tự như các bước trước đó, không có giá trị gì trong việc tăng tỉ lệ đỗ hay đảm bảo chắc chắn bạn sẽ có học bổng.
Bản thân mình cũng đã mắc những lỗi nhất định trong quá trình phỏng vấn nên càng không thể biết được kết quả cuối cùng, chỉ muốn chia sẻ để các bạn năm sau có thể rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Đặc biệt là những ứng viên nhắm đến suất học bổng 1 năm tiếng của Đại học Hồ Bắc.
Để dễ theo dõi, mình xin chia bài viết thành 3 giai đoạn, tương ứng với quá trình mình chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Đi kèm với đó là những kinh nghiệm được đúc rút sau khi đã trải nghiệm thực tế
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
Sau khi đọc email, việc đầu tiên mình làm là kết bạn với giáo viên phụ trách phỏng vấn theo tài khoản đã ghi trong email. Ở phần giới thiệu xét duyệt kết bạn, mình viết theo cú pháp “Tên – Ứng viên học bổng Khổng Tử Đại học Hồ Bắc” để giáo viên dễ nhận biết và chấp nhận lời kết bạn của mình.
Sau khi được kết bạn, mình gửi lời chào thầy và thông báo rằng bản thân đã nhận email và đã sẵn sàng cho buổi phỏng vấn.
Sau đó mình tiếp tục reply lại email thông báo phỏng vấn một lần nữa để xác nhận sẽ tham gia phỏng vấn
Trong vòng 24h trước buổi phỏng vấn, mình tìm kiếm các câu hỏi từng được một số bạn du học sinh chia sẻ vào các năm trước và chuẩn bị dàn ý câu trả lời. Các câu hỏi mình tìm được trước buổi phỏng vấn bao gồm:
- Mời bạn tự giới thiệu về bản thân?
- Hoàn cảnh gia đình bạn thế nào?
- Vì sao bạn chọn trường đại học này?
- Vì sao bạn chọn chuyên ngành này?
- Bạn có thói quen xấu nào không?
- Bạn cảm thấy ưu điểm và khuyết điểm của mình là gì?
- Kế hoạch học tập của bạn trong 1 năm tại Trung Quốc là gì?
- Chuyên ngành của bạn ở trường đại học là gì?
- Chia sẻ về quá trình học Hán Ngữ của bạn? Bạn biết giáo trình Hán ngữ nào?
- Phẩm chất của một giáo viên Hán ngữ theo bạn là gì?
- Sau khi tốt nghiệp, dự định của bạn là gì?
Thực ra các câu hỏi mình chuẩn bị ở trên hơi khó và có thiên hướng dành cho học bổng Đại học hơn. Tuy nhiên, vì lý do chuyên ngành mình chọn là Giáo dục Hán ngữ Quốc tế nên mình muốn đầu tư một chút, để thể hiện hết năng lực bản thân và thuyết phục được ban tuyển sinh.
Mình nghĩ chuẩn bị kỹ một chút sẽ tốt nên dù có apply học bổng 1 năm tiếng để sang cải thiện tiếng Trung thì cũng nên biết mình sẽ trả lời thế nào nếu gặp những câu hỏi trên.
Giai đoạn 2: Phỏng vấn
Sáng phỏng vấn mình dậy sớm, ăn sáng đầy đủ, mặc quần áo nghiêm chỉnh và vuốt thêm miếng gel cho tóc tai tử tế tí Trước giờ phỏng vấn 30 phút, giáo viên phụ trách có nhắn tin thông báo cho mình và dặn mình tìm một nơi có tín hiệu mạng thật tốt.
Đúng giờ phỏng vấn, mình nhận tín hiệu cuộc gọi từ bên trường và gửi lời chào đến thầy phụ trách tuyển sinh. Tuy nhiên, lúc này một rắc rối lớn xảy ra và nó cho thấy việc chuẩn bị trước của mình vẫn chưa hoàn hảo. Điện thoại của mình không hiểu vì sao tiếng cực nhỏ, dù mình đã nâng tối đa âm lượng.
Lúc này mình phải cuống cuồng xin lỗi thầy và tạm ngưng cuộc phỏng vấn khoảng 10 giây để đi tìm tai nghe. Khi tìm được tai nghe rồi mình cũng không đủ bình tĩnh để giải thích lý do vì sao mình phải đeo tai nghe. Từ phía đầu dây bên kia, thầy hỏi “Bạn đang ở nhà hay ở chỗ công cộng vậy?”. Rõ ràng là thầy hiểu nhầm rằng mình vì sợ ồn nên mới đeo tai nghe.
Hình ảnh lúc đó thực sự rất lôi thôi và khiến mình ân hận rất nhiều. Nó khiến mình mất bình tĩnh trong suốt buổi phỏng vấn sau đó, thậm chí quên mất việc phải thường xuyên nhìn vào camera để “eye contact” cùng thầy.
Các câu hỏi thực tế được thầy tuyển sinh đưa ra cho mình trong 5 phút phỏng vấn như sau:
- Mời bạn tự giới thiệu về bản thân?
- Bạn đã đến Vũ Hán chưa?
- Bạn đã đến Trung Quốc chưa? Mình trả lời có và thầy hỏi thêm cảm nhận nơi đó.
- Bạn đã kết hôn chưa?
- Kế hoạch học tập của bạn là gì? Có thể chia sẻ lại cho chúng tôi không?
- Sau khi học xong bạn có định học lên Thạc sĩ hay học cao hơn không?
- Bạn kỳ vọng gì sau 1 năm học ở Trung Quốc?
- Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Trung của mình không?
- Theo bạn phẩm chất cần thiết của một giáo viên Hán ngữ là gì?
Dù đã đeo tai nghe nhưng chất lượng âm thanh vẫn tệ. Mình đã không nghe rõ một câu hỏi dài từ phía thầy và phải nhờ thầy nhắc lại. Do đó, kinh nghiệm của mình là bên cạnh việc chuẩn bị câu hỏi, câu trả lời, bạn cũng không nên quên kiểm tra thiết bị đàm thoại của mình trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Tốt nhất nên nhờ bạn bè gọi video qua wechat/skype (tuỳ trường) để vừa kiểm tra tín hiệu, vừa luyện ánh nhìn và thần thái tự tin nhất.
Có một mẹo nhỏ bản thân mình đúc rút ra là, dù các trường có hỏi thế nào đi nữa, câu hỏi 100% sẽ xuất hiện chính là: “Mời bạn giới thiệu về bản thân”.
Hãy tận dụng câu hỏi này để giới thiệu thật nhiều về bản thân (tên tuổi, trường tốt nghiệp, chuyên ngành, đã làm việc hay chưa, làm việc ở đâu, nơi sinh sống hiện tại, lý do xin học bổng Khổng Tử).
Đừng quên lồng các thông tin đánh trực tiếp vào nhu cầu của ban tuyển sinh là muốn chọn ứng viên có tình yêu với tiếng Trung, văn hoá Trung Quốc, có thế mạnh để theo đuổi sự nghiệp truyền bá và giới thiệu tiếng Trung ra thế giới.
Chẳng hạn khi giới thiệu về chuyên ngành, mình nói bản thân học ngành ngôn ngữ nên có nền tảng căn bản và dễ tiếp thu ngôn ngữ mới. Khi nói về nơi ở, mình rào trước rằng thành phố Hồ Chí Minh, nơi mình đang sinh sống có nhu cầu dạy tiếng Hán rất cao và mình có thể tìm nhiều cơ hội dạy học sau này nếu được Viện Khổng Tử cấp học bổng.
Sở dĩ cần tận dụng câu hỏi này là vì bạn có thể chuẩn bị trước, từ đó trả lời lưu loát hơn và hạn chế việc ban tuyển sinh phải hỏi lại trong những câu sau. Để dành thời gian cho họ khai thác các thông tin khác ở bản thân.
Khi trả lời bất cứ câu hỏi nào từ ban tuyển sinh, luôn nhớ đi vào trọng tâm vấn đề. Đặc biệt là lồng ghép các thông tin thể hiện tình yêu của bản thân với tiếng Trung Quốc, văn hoá Trung Quốc và mong muốn cống hiến cho sự nghiệp truyền bá tiếng Trung.
Chẳng hạn với câu hỏi về nơi đã đi qua ở Trung Quốc, mình nói về phong cảnh Lệ Giang Cổ Trấn, ấn tượng của mình về Ngọc Long Tuyết Sơn và sự thích thú với ẩm thực và đồ lưu niệm ở đây. Trong kế hoạch học tập trước đó, mình cũng nói về đam mê của bản thân với các bộ phim kinh điển của Trương Nghệ Mưu.
Giai đoạn 3: Sau buổi phỏng vấn
Mình kết thúc buổi phỏng vấn mà không có thêm bất cứ câu hỏi nào khác dành cho thầy cô. Mình cũng không hỏi thêm về kết quả của bản thân ra sao vì làm như thế có thể đẩy họ vào thế khó bởi chẳng ai muốn nói lời cay đắng làm nhụt chí ứng viên, nhưng nếu nhận xét tích cực thì có thể khiến mình hi vọng quá nhiều.
Họ còn rất nhiều ứng viên khác cần tuyển chọn và cân nhắc, chưa kể kết quả còn phụ thuộc vào việc xét duyệt lại từ Hanban. Thay vào đó mình viết mail cảm ơn thầy cô về buổi phỏng vấn, không quên giải thích sự cố dùng tai nghe của bản thân và khẳng định dù kết quả có thế nào cũng rất muốn có cơ hội được đến trường để gặp gỡ thầy cô và trực tiếp cảm ơn sự giúp đỡ của Đại học Hồ Bắc.
Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, mình nhận được thông báo từ trường là phải đăng nhập lên hệ thống tuyển sinh riêng của trường và hoàn thiện một bộ hồ sơ trực tuyến khác tương tự như đã làm trên hệ thống CIS. Đây vốn dĩ là yêu cầu từ đầu trên web trường nhưng do mình không đọc nên chưa hoàn thành trước khi bước vào buổi phỏng vấn.
Trên hệ thống của trường Đại học Hồ Bắc có xuất hiện thêm một số giấy tờ đặc biệt (khác với hồ sơ trên CIS) như Chứng minh tài chính và Lý lịch tư pháp. Các bạn đang chuẩn bị nộp đơn vào Đại học Hồ Bắc hoặc các năm sau nên chú ý để chuẩn bị các giấy tờ này để apply song song với hồ sơ trên CIS. Tránh phải vắt chân lên cổ như mình hiện nay.
Trước khi apply học bổng Khổng Tử, ngoài đọc điều kiện trên trang CIS thì nên vào cả trang web của trường để đọc vì họ có thể có những yêu cầu đặc thù khác. Chẳng hạn như việc làm song song 2 bộ hồ sơ trực tuyến giống Đại học Hồ Bắc, rồi xem bên đó có yêu cầu thêm giấy tờ khác hay không để chủ động chuẩn bị trước trong lúc chờ nhảy bước. Như thế sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền bạc và thời gian sau này.
Dù bạn apply diện nào đi chăng nữa mình nghĩ cũng nên có chứng chỉ HSKK. Nó không đơn giản là thứ cho vào để đẹp hồ sơ, nó còn là động lực để tụi mình rèn khẩu ngữ, từ đó ứng phó với buổi phỏng vấn (nếu có) từ bên trường.
Update: Bạn Tú đã đỗ học bổng và nhập học tháng 9/2020
“Chúc các bạn và cả mình nữa sẽ may mắn!”
Một lần nữa, thay mặt cho các bạn thành viên Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc gửi lời cảm ơn chân thành đến bạn Tú. Cảm ơn bạn đã dành thời gian quý báu để viết lên những điều chia sẻ rất thật tâm. Mình chắc chắn bạn sẽ là học sinh ưu tú và xuất sắc của Đại học Hồ Bắc, khóa học 1 năm tiếng ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế trong năm nay. Chúc bạn và gia đình hạnh phúc, vui vẻ và thành công trên con đường du học
Các bạn hãy giúp chúng mình chia sẻ những kinh nghiệm Tự Apply học bổng quý báu của bản thân để chúng ta cùng xây dựng một cộng đồng du học Trung Quốc đoàn kết, vững mạnh và phát triển nhé.
Thông tin liên hệ Riba
- Lô 22, BT 4-3, đường Trung Thư, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Email: admin@riba.vn
- Fanpage: Du học Trung Quốc Riba.vn
- Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc
- Group: Du học Trung Quốc NHƯ THẾ À ?!
- Tiktok: Duy Riba
- Youtube: Riba Team Official
- Hotline: 0888 666 350
- Hotline: 0888 666 152