phuong phap hoc tap cua hoc sinh trung quoc
3872
Views

Phương pháp học tập của học sinh Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia luôn được đánh giá cao trong những kỳ thi olympic quốc tế về lĩnh vực học thuật. Học sinh Trung Quốc nổi tiếng thông minh và chăm chỉ với những bảng điểm toán cao chót vót. Không biết họ đã sử dụng những phương pháp nào trong học tập để có được những thành tựu đáng ngưỡng mộ như vậy nhỉ? 

Sau đây là câu trả lời của các bạn Trung quốc được đăng tải trên Quora chia sẻ về vấn đề cách học, phương pháp học tập của học sinh Trung Quốc mà họ đã sử dụng. Các bạn hãy cùng Riba khám phá nhé!

Phương pháp học tập của học sinh Trung Quốc - Riba.vn

Haiyan Chen, người Trung Quốc, trả lời tháng 5 năm 2017

Có rất nhiều phương pháp học tập, ví dụ như: ghi chú trên sách giáo khoa, làm bản đồ tư tuy, .. hoặc làm rất rất nhiều đề thi thử.

Vậy học sinh Trung Quốc sử dụng phương pháp nào trong các phương pháp trên? Câu trả lời của tôi là: tất cả

Đúng vậy, tất cả các phương pháp trên đều được sử dụng bởi học sinh Trung Quốc. Cũng giống như Hàn Quốc Nhật bản hay thậm chí cả Việt Nam, người Trung Quốc rất chú trọng việc học, họ dành rất nhiều thời gian cho việc dùi mài kinh sử.

Họ tin vào đạo lý gọi là : 书山有路勤为径,学海无涯苦做舟 (tạm dịch: Siêng năng là con đường dẫn đến ngọn núi tri ​​thức, chăm chỉ là con thuyền đến biển học hỏi). Chúng ta không thể biết chắc rằng ta thông minh hơn người khác hay không, nhưng ta có thể chăm chỉ hơn người khác, chăm chỉ chính là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công.

Sean Wong trả lời như sau

Đơn giản là hãy luyện tập và luyện tập thật nhiều đề, đề cũ, đề mới, đề dự kiến,… phương pháp này được gọi là “đề hải chiến thuật” (chiến thuật bơi giữa biển đề).

Tôi đã từng học SAT, Ap, GRE, EIT, PE (các chứng chỉ học thuật quốc tế) bằng cách làm thật nhiều đề mẫu, cách này khá là hiệu quả, ít nhất là với tôi. Hơn nữa, ghi chú, tóm tắt từ sách giáo khoa thường là công việc phải được hoàn thành trước khi đến lớp. 

Sách giáo khoa ở Trung Quốc thường rất mỏng, chỉ dày khoảng 100 trang cho một môn/một kỳ học, và 50% số trang là phần bài tập. Việc ghi chú thường không mất quá nhiều thời gian, tôi chỉ dành một ít thời gian trước khi đến lớp là có thể hoàn thành công việc này. 

Đến khi ôn thi, tôi chỉ cần nhìn lại phần ghi chú là đủ. Theo kinh nghiệm của tôi, ghi chú cũng chính là phương pháp hữu hiệu hơn cả so với các phương pháp khác.

Tôi bắt đầu biết đến phương pháp dùng bản đồ tư duy khi sang Mỹ du học, nhưng tôi thấy phương pháp này khá tốn thời gian. Phương pháp dùng bản đồ tư duy này không được phổ biến lắm vào thời của tôi. 

Khi đến học ở Mỹ, làn sóng Flashcard (thẻ ghi nhớ) rộng rãi ở khắp mọi nơi, phương pháp này thật sự giải quyết vấn đề ghi nhớ cho học sinh. Các tấm thẻ này viết các kiến thức liên quan đến môn học, tôi thường sử dụng chúng thay cho việc đọc lại sách.

Phương pháp học tập của học sinh Trung Quốc - Riba.vn

ZY Pang , sống tại Bắc Kinh đã đưa ra một số kết luận khá mạch lạc

Đối với một học sinh bình thường ở Trung Quốc thì việc không ngừng lặp đi lặp lại kiến thức cũ chắc chắn là phương pháp có hiệu quả nhất. Nhưng luyện tập chắc chắn không phải là phương pháp duy nhất, cũng không phải chỉ có mình nó là hữu hiệu.

Đối với những học sinh lớn lên ở vùng quê nghèo kém phát triển,họ thường thiếu thốn cơ sở vật chất và tài nguyên giáo dục. Giáo viên ở đây có thể sẽ không có khả năng để truyền đạt cho học sinh qua những phương pháp giảng dạy tiên tiến, mà chỉ cung cấp tài liệu và bài kiểm tra mẫu. 

Trong một số trường hợp đặc biệt khác, những đứa trẻ có trí thông minh ở mức trung bình có thể sẽ khó thích nghi được với các phương pháp tiên tiến. Đối với những học sinh như vậy, việc lặp lại chính là phương pháp vừa thực tế lại vừa mạng lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, nhóm học sinh mà ngay từ khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với các nguồn tài nguyên giáo dục tốt và rộng mở hơn, họ bị ám ảnh với trí thông minh, từ đó họ luôn yêu cầu đòi hỏi nhiều hơn. Chính vì vậy, có rất nhiều phương pháp khác nhau cho học sinh lựa chọn: ghi nhớ, viết ghi chú, sử dụng sơ đồ tư duy,….

Chúng ta không thể đánh giá so sánh phương pháp nào tốt hơn, mà chỉ có thể nói cái nào là phù hợp nhất. Tôi đã học được điều này trong thời gian học cao trung. Ngôi trường mà tôi theo học là một trường khá có tiếng tăm, họ đặt ra tiêu chuẩn khắt khe cho học sinh tốt nghiệp. 

Bạn học của tôi đều là những học sinh tuyệt vời, nhưng đồng thời họ đều có điểm đặc biệt riêng. Chúng tôi giao lưu với nhau và học tập từ nhau, tuy nhiên đích đến cuối cùng vẫn là tìm ra con đường đi riêng cho chính bản thân mình.

Thí dụ nhé, một giáo viên lịch sử đã yêu cầu chúng tôi vẽ một cái cây logic (một loại sơ đồ tư duy) nhằm giúp học sinh hiểu và ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Bài tập đó được giao cho thời hạn là một kỳ học. Sau khi hết kì, mọi người nộp lại bài tập, sản phẩm của mọi người lại rất khác nhau. 

Có những sơ đồ giúp ghi nhớ tốt hơn, có những sơ đồ lại được sử dụng như một gợi ý điểm lại các ý để ôn tập. Một số bạn vì chữ viết quá xấu nên đã mượn và chép lại sơ đồ của người khác,v.v… còn số khác vì cảm thấy sản phẩm của mình không hữu ích nên đã không sử dụng nó nữa.

Đó cũng là cách chúng ta tìm ra phương pháp phù hợp cho mình. Thực hành chính là phương pháp tốt nhất để kiểm chứng đúng sai, đây là chân lý đúng đắn nhất. Nhưng bạn cũng không thể cứ mãi thử như thế được. 

Cô giáo lịch sử của tôi (vâng, lại là cô ấy- người đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều) đã nói: vào 2 năm đầu tiên của bậc Trung học, các em có thể thỏa thích thử các loại phương pháp khác nhau, nhưng đến năm cuối, các em bắt buộc phải dừng việc đó lại và tìm cho mình một con đường riêng, bởi vì cứ thay đổi vào phút chót mãi sẽ làm mọi thứ rối tung lên.

Các bạn cùng lớp tôi đã đỗ vào các trường danh tiếng nhờ sử dụng các phương pháp họ đã lựa chọn. Thậm chí một số phương pháp ấy vẫn còn phù hợp đến tận khi học đại học và cả sau này đi làm. Không có phương pháp nào là tốt nhất, chỉ có phương pháp phù hợp nhất.

Quay trở lại vấn đề chính của câu hỏi trên, tôi cho rằng luyện tập vẫn là yếu tố quan trọng hơn hết thảy. Tất cả mọi phương pháp, bất kể là phương pháp nào, chỉ khi bạn bỏ công ra luyện tập, thì chúng mới có cơ hội phát huy tác dụng. Hãy đọc các câu trả lời khác, bạn sẽ nhận ra, trong văn hóa Trung Quốc, yếu tố chăm chỉ quan trọng đến nhường nào.

Phương pháp học tập của học sinh Trung Quốc - Riba.vn

Các bạn thân mến, như vậy là chúng ta đã đọc qua 3 câu trả lời, 3 ý kiến khác nhau về phương pháp học tập của người Trung Quốc rồi đấy. Mong là bài viết hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn một ngày vui vẻ!  

Cập nhật những bài viết thú vị khác tại: Có thể bạn chưa biết?

Hãy dành tặng tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền!

Thông tin liên hệ Riba

Chuyên mục:
Khám phá

Comments are closed.