Như các bạn đã biết, trong quá trình apply học bổng chúng ta phải chuẩn bị tương đối nhiều loại tài liệu, do vậy nếu thành tích hay các hoạt động ngoại khóa của bạn không có gì nổi bật thì bạn nên chú ý đến việc chăm chút vào ba loại tài liệu giúp bạn ăn điểm trong quá trình apply học bổng mà Du học Trung Quốc Riba liệt kê dưới đây, cùng theo dõi nhé!
Nội dung bài viết
1. Kế hoạch học tập (Study Plan)
Kế hoạch học tập (Study Plan) đôi khi còn được coi như một Bản tự thuật cá nhân (Personal Statement).
Chính vì vậy trong khi viết kế hoạch học tập, bạn cần phải đảm bảo vừa nêu bật được năng lực học tập, nghiên cứu của bản thân vừa phải nêu được định hướng nghiên cứu, kế hoạch chi tiết cho các năm học tại trường. Lưu ý là dung lượng của hai phần này cũng không được chênh lệch nhau quá nhiều.
Không có một quy chuẩn chung nào cho kế hoạch học tập, bởi đây là tài liệu mang đậm bản sắc cá nhân của riêng bạn. Nếu bạn không động não mà chỉ sử dụng những bài viết mẫu ở trên mạng thì bạn chỉ là một “bản sao”. Và khi có quá nhiều “bản sao” giống nhau, cái chất riêng của bạn sẽ không được thể hiện nữa.
Chính vì vậy, trước khi viết kế hoạch học tập, bạn nên làm rõ một vài vấn đề sau đây:
Điểm mạnh của bản thân là gì?
Kế hoạch học tập khác CV ở chỗ bạn không thể bê hết tất cả trải nghiệm 3 hay 4 năm học của mình vào. Chính vì vậy hãy chọn ra những sở trường, khả năng đặc biệt của bản thân, những cái mà bạn cho rằng là “độc nhất” để viết vào.
Đó có thể là kinh nghiệm nghiên cứu, hay kinh nghiệm làm việc, giải thưởng,.. tuy nhiên nó phải phù hợp với ngành mà bạn apply.
Trường bạn apply cần một học sinh như thế nào?
Sau khi khám phá được thế mạnh của bản thân, hãy tìm hiểu về trường bạn định apply và xem xem họ cần một học sinh như thế nào?
Tình cảm nên xuất phát từ hai phía, chỉ khi hai bên “tâm đầu ý hợp” mới có thể đi đến hôn nhân và việc apply học bổng cũng vậy. Mô hình đào tạo của các trường đại học Trung Quốc hiện nay thường được phân ra làm hai loại là 学术学位 (thiên hướng nghiên cứu) và 专业学位 (thiên hướng ứng dụng).
Thiên hướng ứng dụng (专业学位)
Đối với các ngành đào tạo theo mô hình Thiên hướng ứng dụng (专业学位), kinh nghiệm thực tiễn của ứng viên là điều rất quan trọng, đó có thể là kinh nghiệm làm việc, thực tập hay việc tham gia các cuộc thi.
Thiên hướng nghiên cứu (学术学位)
Còn Thiên hướng nghiên cứu (学术学位) lại không quá quan tâm đến điểm này. Họ quan tâm đến năng lực tư duy và nghiên cứu của ứng viên, việc bạn tham gia các khóa học hay đọc thêm vài quyển sách chuyên ngành có sức hấp dẫn hơn cả việc tham gia một hoạt động ngoại khóa quốc tế nào đó.
Do đó, hãy tìm hiểu trường/ngành bạn muốn học thiên về định hướng nghiên cứu hay ứng dụng, điều này vừa giúp bạn cân nhắc rằng ngành đó có phù hợp với bản thân hay không, vừa giúp bạn xây dựng được một kế hoạch học tập hợp lý.
Chỉ sau khi làm rõ được hai vấn đề nêu trên, bạn mới nên bắt tay vào viết kế hoạch học tập.
Các thông tin cơ bản
- Nền tảng học thuật,
- Kinh nghiệm làm việc
- Mục tiêu và định hướng nghiên cứu
- Kế hoạch học tập tại trường
- Dự định sau khi tốt nghiệp,…
Ngoài ra, bạn có thể thêm phần hoàn cảnh gia đình, lý do chọn trường,… Với phần này mình viết khá ít đôi khi ko đề cập.
Tiêu chí viết Kế hoạch học tập
Các phần nội dung trên phải đảm bảo được các tiêu chí sau:
- Có tính liên kết từ đầu đến đến cuối, đoạn trước phải là cơ sở để triển khai cho đoạn sau hay đoạn sau bổ sung ý cho đoạn trước (ví dụ phần kế hoạch phải theo sát định hướng nghiên cứu, nếu coi định hướng nghiên cứu là một đề tài viết luận, thì kế hoạch học tập là bố cục triển khai đề tài ấy trong suốt các năm học).
- Từng câu trong bài đều phải có mục đích có ý nghĩa, không nên viết kiểu chung chung, không cụ thể. (Thay vì các câu như vì em thích… nên…, thì hãy thể hiện sự hiểu biết của mình về lĩnh vực ấy bằng các dẫn chứng cụ thể)
- Cá nhân người viết nên thể hiện lập trường riêng (đối với mình, mình không ngại đưa những kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề Biển Đông vào trong kế hoạch học tập để làm rõ luận điểm của bản thân: “Quan hệ Việt-Trung có đầy đủ mọi yếu tố để trở nên tốt đẹp, thứ thiếu sót duy nhất đó là lòng tin chiến lược” qua đó thể hiện mong muốn của bản thân trong việc làm cầu nối thúc đẩy lòng tin giữa hai nước bla bla…)
- Bài viết phải thể hiện được sự hiểu biết về chuyên ngành bạn muốn apply. Bạn nên sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành. (Cá nhân mình về phần định hướng nghiên cứu, mình có phê phán những lỗ hổng và luận điểm sai lầm của một trường phái lý thuyết đang được áp dụng phổ biến về đối tượng mà mình dự định nghiên cứu để thể hiện tính cấp thiết cũng như tính ứng dụng của hướng nghiên cứu mà mình triển khai).
- Thể hiện được giá trị của bản thân ở hiện tại lẫn trong tương lai. Bạn sẽ có đóng góp như thế nào cho lĩnh vực mà bạn theo đuổi, cho trường, cho quan hệ Việt – Trung, hay cho cá nhân bạn,…
- Ngoài ra các bạn cũng nên chú ý về mặt hình thức: font chữ, cỡ chữ, căn lề, lùi đầu dòng, dãn dòng, logo trường bạn apply… để KHHT được chỉn chu hơn.
Thư giới thiệu
Ngoài kế hoạch học tập, Thư giới thiệu cũng đặc biệt không kém, nó giống như một thẻ bài chứng minh những điều bạn viết ra ở kế hoạch học tập là chính xác, không phải là những gì bạn ngụy tạo ra mà đó chính là bản thân bạn trong mắt người khác.
Đương nhiên chọn người viết thư giới thiệu không chỉ để ý đến chức vị mà cần phải tham khảo cả ba yếu tố: mức độ quen biết, lĩnh vực nghiên cứu, chức vụ.
Người mà bạn lựa chọn nên là những người bạn thân quen như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hướng dẫn khóa luận, hay sếp tại cơ quan bạn làm việc, hoặc chí ít cũng là giảng viên từng giảng dạy bạn.
Nên chọn những người có thâm niên nghiên cứu về lĩnh vực bạn lựa chọn apply, điều này đặc biệt có lợi cho các bạn apply trái ngành, người viết thư có thể là người gỡ rối cho bạn, giới thiệu về những năng lực hay thành tích của bạn trong lĩnh vực có liên quan.
Nguyên tắc cơ bản là người có chức vụ càng cao càng tốt, tuy nhiên nếu không có khả năng xin thư giới thiệu của những người này thì cũng không sao, đáp ứng hai yếu tố trên là được.
Nhờ việc xác định rõ cả ba yếu tố này ngay từ đầu mình đã xin được 2 thư giới thiệu khá ưng ý:
- Một từ cô giáo hướng dẫn của mình đồng thời là phó trưởng khoa, có nghiên cứu vô cùng sâu về mặt lý luận trong quan hệ quốc tế (giống định hướng nghiên cứu của mình)
- Một từ lãnh đạo tại cơ quan mình làm việc (Phó Viện trưởng), là PGS, có thời gian công tác khá dài tại TQ và hiện là tân Đại sứ ĐMTQ VN tại Malaysia.
Về mặt nội dung thư, chủ yếu bao gồm quan hệ giữa người viết thư và bạn, năng lực của bạn (có thể từ góc độ học thuật hay phi học thuật), lời giới thiệu và đảm bảo của người viết thư đối với cán bộ tuyển sinh, thông tin liên hệ,…
Về mặt dung lượng, thư giới thiệu nên viết đơn giản trong khoảng 1 trang giấy (300-400 chữ).
Về mặt hình thức: nên tuân thủ form viết thư chuẩn tiếng Anh hoặc tiếng Trung, nên có kèm logo của trường, cơ quan hoặc dấu ấn cá nhân của người viết (thầy mình có cho mình 1 bì thư riêng của thầy nhưng mà trường không yêu cầu gửi tài liệu giấy, tiếc quá~)
CV
Hầu hết các trường đều không yêu cầu CV, tuy nhiên cá nhân mình nhận thấy CV rất cần thiết, bởi thay vì KHHT dài hàng trang thì một CV ngắn gọn đủ ý đôi khi lại giúp bạn ăn điểm với các trường đại học.
Một số thông tin có thể không phù hợp lắm đối với chuyên ngành bạn apply và khó có thể cho vào KHHT thì bạn có thể viết vào trong CV.
Tuy nhiên CV cũng vẫn cần tuân thủ yêu cầu về nội dung như thông tin cá nhân, nền tảng học thuật, kinh nghiệm, giải thưởng, kỹ năng… và tùy vào từng chuyên ngành bạn có thể xây dựng một chiếc CV thật sáng tạo, thể hiện dấu ấn riêng của bản thân.
Về dung lượng, CV không quá một trang với hệ đại, không quá 1,5-2 trang đối với hệ Thạc.
Trên đây là những gì mình tìm hiểu và cũng là kinh nghiệm của bản thân mình về việc chuẩn bị hồ sơ apply, mong rằng có thể giúp đỡ các bạn trong quá trình apply học bổng sắp tới.
Hi vọng sau khi đọc xong bài viết này bạn sẽ có những tài liệu giúp bạn ăn điểm trong quá trình apply học bổng một cách tốt nhất.
Thông tin liên hệ Riba
- Lô 22, BT 4-3, đường Trung Thư, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Email: admin@riba.vn
- Fanpage: Du học Trung Quốc Riba.vn
- Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc
- Group: Du học Trung Quốc NHƯ THẾ À ?!
- Tiktok: Duy Riba
- Youtube: Riba Team Official
- Hotline: 0888 666 350
- Hotline: 0888 666 152