Nội dung chính
Nếu Trung Quốc cổ đại với nền văn hóa kiến trúc cổ kính, văn hóa thư pháp và văn hóa thi ca đã tồn tại hàng ngàn năm luôn khiến cho thế giới phải ngưỡng mộ thì Trung Quốc hiện đại, với tốc độ hiện đại hóa với nền văn hóa mua sắm không dùng tiền mặt đang phát triển chóng mặt cũng đang khiến thế giới phải ngạc nhiên và học tập.
Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Riba tìm hiểu về một thói quen đã trở thành một văn hóa – “Văn hóa mua sắm không dùng tiền mặt ở Trung Quốc” nhé!
Văn hóa mua sắm không dùng tiền mặt ở Trung Quốc phổ biến đến mức nào?
Ở Trung Quốc, kỷ nguyên “mua sắm không dùng tiền mặt” đã lên ngôi.
Từ các nhà hàng cao cấp đến các sạp bán đồ ăn vặt ven đường, từ các trung tâm thương mại bậc nhất đến những tiệm tạp hóa bình dân, từ các rạp chiếu phim, các máy trò chơi thậm chí là nhà tù ở Trung Quốc, luôn có một thứ không thể thiếu, đó chính là mã QR và hệ thống thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt.
Một cuộc khảo sát gần đây của Ipsos cho thấy 84% mọi người “thoải mái” khi đi ra ngoài mà không cần tiền mặt, nhưng lại không thể thiếu điện thoại.
Không chỉ phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử như ở Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt len lỏi vào từng ngóc ngách của Trung Quốc. Chỉ với một ứng dụng thanh toán điện tử trong máy điện thoại có kết nối 3G, bạn có thể mua một món đồ vô tình thấy trên đường dù không mang theo ví tiền, chỉ trong vài giây.
Tương tự, việc đi chợ, mua sắm hay ăn uống, đi lại thậm chí là quyên góp, ủng hộ cho những người lang thang hay nghệ sĩ ven đường chưa bao giờ dễ dàng đến thế, chỉ bằng một vài giây quét mã hay quét khuôn mặt.
Người Trung Quốc đã quen coi việc thanh toán điện tử nhanh (bằng mã QR hay nhận diện khuôn mặt) trở thành bầu không khí hít thở hằng ngày của mình.
Thậm chí, khi Apple đang có ý định loại bỏ Alipay (ứng dụng thanh toán nhanh phổ biến tại Trung Quốc) ra khỏi App Store, thì tại thị trường đông người dùng nhất của Apple – Trung Quốc – có hơn 90% người dùng sẵn sàng lựa chọn từ bỏ Iphone chứ không phải là ứng dụng Alipay.
Hiện nay, việc thanh toán bằng tiền mặt ở Trung Quốc được coi là khá kỳ quặc. “Khi đi mua đồ, dùng tiền mặt thanh toán mình rất là ngại, cứ cảm giác như mình làm chuyện gì xấu vậy! Vì thậm chí các anh, chị nhân viên phải loay hoay đi tìm tiền lẻ trả lại, làm mất thời gian của mọi người. Trong khi thanh toán nhanh chỉ mất có vài giây”.
Nhiều bạn du học sinh chia sẻ khi vừa mới đến Trung Quốc. Ở đây, mọi người cho rằng, hầu như chỉ có những ông bà đã lớn tuổi mới dùng tiền mặt để thanh toán.
Lợi ích mà nó mang lại
Rõ ràng những lợi ích việc thanh toán điện tử mang lại giúp cho cuộc sống chúng ta tối giản và tiện lợi, là điều không thể phủ định.
Đối với các doanh nghiệp và người bán hàng:
Họ không cần thiết phải có quá nhiều thiết bị đặc biệt hỗ trợ để chấp nhận thẻ tín dụng hay thẻ ngân hàng, các khoản thanh toán di động như Apple Pay. Thay vào đó, họ chỉ cần đăng ký một mã QR riêng hay 1 hệ thống nhận diện khuôn mặt.
Việc thanh toán hạn chế tiền mặt cũng giúp cho nhân viên và những người làm kinh doanh tránh khỏi những phiền phức của việc trả lại tiền lẻ thừa hay vấn nạn tiền giả.
Đối với người dùng
So với việc mang một chiếc túi cồng kềnh đựng đủ các loại tiền, các loại thẻ thì việc một chiếc điện thoại nhỏ gọn tích hợp khiến cho người dùng cảm thấy khá thoải mái. Họ cũng có thể loại bỏ được những nỗi lo mất tiền, quên không mang theo tiền hay không có tiền lẻ để trả.
Thậm chí, với ứng dụng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, họ chỉ cần đi dạo với một tâm thái thảnh thơi và thanh toán chỉ với 1 giây. Thật quá tiện lợi.
Các ứng dụng phục vụ cho việc mua sắm không dùng tiền mặt ở Trung Quốc
Với những bạn đang chuẩn bị, có ý định đi du học Trung Quốc, làm quen với văn hóa không dùng tiền mặt khi mua sắm cũng là một “kỹ năng sinh tồn” đó! Vì từ việc nhận học bổng/ trợ cấp đến mua sắm, thanh toán đều diễn ra trên nền tảng số mà!
Các ứng dụng thanh toán bằng quét mã QR
Đối với các giao dịch thanh toán thông thường, hai ứng dụng có các tiện ích tương đương nhau.
Alipay (được thành lập bởi Alibaba) thường được dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Taobao hay Tmall. Và có 1 điểm thú vị của Alipay trên app còn có phần để trồng cây bảo vệ môi trường hay nuôi gà để làm từ thiện. Khi số lượng giao dịch đến mức nhất định, là bạn đã có một cây để Alibaba trồng hay góp 1 phần để Alibaba giúp bạn đi từ thiện rồi đấy! Chính vì lý do này nên khá nhiều người thích dùng ứng dụng Alipay.
Còn WechatPay (thành lập bởi Tencent) thường dùng cùng với nền tảng Wechat và ở các cửa hàng, cửa tiệm kinh doanh.
Ứng dụng nhận diện khuôn mặt
Ứng dụng Smile to Pay của Alipay đã ra đời đáp ứng ngay nhu cầu của người dùng. Chỉ cần đăng ký tài khoản Alipay liên kết với thẻ ngân hàng và nở nụ cười thật tươi, mọi công việc thanh toán của bạn đã xong mà không phải đợi chờ quá lâu.
Cùng với đó Prog Pro của Tencent cũng là sự lựa chọn của nhiều người dân Trung Quốc. Thậm chí không cần dùng điện thoại, quét mã, bỏ qua nỗi lo có thể bị nhìn trộm mật khẩu tài khoản là những tiện ích mà các ứng dụng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt mang lại.
Trên đây là những chia sẻ của Riba về một trong những nền văn hóa của người Trung Quốc hiện đại. Mong rằng với bài viết có thể cung cấp cho các bạn một cái nhìn toàn diện nhất và cũng giúp cho những bạn đang có ý định đến Trung Quốc học tập/ du lịch có sự chuẩn bị tốt nhất!
Thông tin liên hệ Riba
- Lô 22, BT 4-3, đường Trung Thư, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Email: admin@riba.vn
- Fanpage: Du học Trung Quốc Riba.vn
- Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc
- Group: Du học Trung Quốc NHƯ THẾ À ?!
- Tiktok: Duy Riba
- Youtube: Riba Team Official
- Hotline: 0888 666 350
- Hotline: 0888 666 152