tim-hieu-10-bieu-tuong-noi-bat-cua-van-hoa-trung-hoa
3319
Views

10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa

Khi nhắc đến Trung Quốc, bạn nghĩ ngay đến điều gì? Gấu trúc? Thư pháp? Hay Vạn lý Trường Thành? Và còn vô số điều khiến chúng ta phải liên tưởng đến khi nói về đất nước tỉ dân này.

Trung Quốc, một quốc gia có bề dày lịch sử hơn 5.000 năm, cùng với đó là nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, từ rất sớm đã xuất hiện một số loại hình văn hóa nghệ thuật và hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Trung Quốc. 

Những biểu tượng này đã trở thành một phần cốt yêu của tinh hoa văn hóa dân tộc, trở thành di sản văn hóa quý giá, được coi là biểu tượng của Trung Quốc.

Vậy những biểu tượng nào được xem là đại diện cho nền văn hóa Trung Hoa? Hôm nay xin mời các bạn cùng Du học Trung Quốc Riba tìm hiểu về những biểu tượng độc đáo, nổi bật đại diện cho quốc gia rộng lớn này nhé! 

Tìm Hiểu 10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa - Riba.vn

RỒNG

Rồng, một trong 4 linh vật may mắn “long, lân, quy, phụng” trong văn hóa Trung Hoa, được xem là con vật linh thiêng, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người dân đất nước này, nó biểu tượng cho uy nghi, quyền lực và sức mạnh. 

Từ xa xưa, người cổ đại đã tự nhận mình là “Hậu duệ của rồng”. Rồng là vật thể đại diện cho quyền lực hoàng gia, nên ngay từ thời xa xưa, người ta quan niệm rằng chỉ dòng dõi hoàng gia và vua chúa mới sử dụng những vật phẩm được in hình linh vật trang trọng, cao quý này.

Rồng là biểu tượng mạnh mẽ nhất và có địa vị cao nhất trong tất cả các loài động vật theo văn hóa tâm linh của người Trung Quốc, với sức mạnh siêu nhiên và khả năng điều khiển năng lượng vũ trụ, hô mưa gọi gió, cứu giúp nhân dân qua cơn đại hạn. Đây được coi là biểu tượng may mắn, thịnh vượng, mang lại nguồn năng lượng tích cực được người dân sùng bái cho đến tận bây giờ.

10-bieu-tuong-noi-bat-cua-van-hoa-trung-hoa
Hình ảnh rồng được chạm trổ tinh xảo thường bắt gặp ở các cung điện ngày xưa

GẤU TRÚC

Không giống như rồng, luôn gắn liền với sức mạnh, quyền lực to lớn. Gấu trúc hay còn gọi là “Quốc bảo”, động vật với những đặc điểm vô cùng đáng yêu, với khuôn mặt tròn, hai quầng mắt đen, cơ thể béo tròn, ục ịch và chỉ có hai màu đen trắng.

Lúc đầu, gấu trúc là động vật ăn thịt, trải qua quá trình tiến hóa, hiện nay 99% lượng thức ăn của chúng đều từ cây trúc. Ngày nay, gấu trúc hoang dã chủ yếu ở các vùng núi sâu hiểm trở thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc ở Trung Quốc. 

Mỗi ngày, gấu trúc dành một nửa thời gian để ăn và phần lớn thời gian còn lại để ngủ. Dù là lúc ăn hay lúc ngủ, loại động vật này đều trông rất dễ thương, bởi vậy chúng còn được xem là những thỏi nam châm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất Tứ Xuyên.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là loài động vật này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngày nay chỉ còn khoảng 2,000 con sinh sống trên khắp thế giới, cho nên đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc và quốc tế.

Có thể bạn chưa biết gấu trúc hiện nay không chỉ được biết đến là biểu tượng của Trung Quốc mà còn được vinh dự trở thành biểu tượng của Tổ chức Quốc tế và Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đấy!

Tìm Hiểu 10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa - Riba.vn

KUNG FU

Kung Fu là một thuật ngữ gọi chung cho võ thuật Trung, một môn võ cổ truyền Trung Quốc, có lịch sử lâu đời, từ thời nhà Thương, nhà Chu. Kungfu Trung Quốc chỉ chú trọng đến các động tác mạnh mẽ, dứt khoát mà uyển chuyển, nó còn phải chú trọng luyện khí lực bên trong cơ thể. 

Đặc điểm này phản ánh võ thuật Trung Quốc không đơn giản là môn thể thao thông thường mà nó là một môn nghệ thuật kết hợp của triết học, y học và võ thuật Trung Hoa cổ đại trong quá trình tiến hóa lịch sử lâu dài, tạo thành một phương pháp và hình thức luyện tập độc đáo của người dân nước này.

Kung Fu ban đầu được thực hành bởi các nhà sư Phật giáo hoặc các thầy tu Đạo giáo, chủ yếu để rèn luyện nội công.

Nhưng với tài năng xuất chúng của siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long, nam diễn viên võ thuật người Mỹ gốc Hoa, đồng thời cũng là người sáng lập trường phái Triệt quyền đạo, đã giúp nâng võ thuật cổ truyền Trung Hoa lên một tầm cao mới, được cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này đánh giá rất cao.

Hiện nay, có rất nhiều trường phái võ thuật Trung Quốc, chẳng hạn như Quyền Anh, Thiếu Lâm Kungfu, Thái Cực Quyền, Vịnh Xuân Quyền v.v. Nhưng tụ chung lại tư tưởng chỉ đạo của võ thuật Trung Quốc đều lấy rèn luyện thân thể, tự vệ và tu thân làm gốc.

Ngày nay, Thái Cực Quyền là bộ môn thể thao được người cao tuổi vô cùng yêu thích. Hình ảnh mỗi sáng những cụ ông, cụ bà tụ tập ở công viên cùng nhau thực hiện những động tác mềm mại, uyển chuyển của bộ môn nghệ thuật này dường như đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Trung Quốc.

KINH KỊCH

Kinh Kịch, một loại hình nghệ thuật ca kịch độc đáo, hình thành từ thời nhà Thanh và được bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay, đặc biệt tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Kinh.

Hình thức chủ yếu của kinh kịch là ca, nói, múa, đấu võ, xiếc, nhào lộn kết hợp trên giai điệu ca kịch dân gian để thuật lại những câu chuyện, khắc họa tính cách nhân vật, thông qua đó đem lại những phút giây giải trí cho người xem và truyền tải ý nghĩa thâm sâu với con người về cuộc sống.

Những nghệ sĩ với những bộ trang phục lộng lẫy, tất cả đều được làm bằng thủ công, với gương mặt được trang điểm kĩ lưỡng, cầu kì, đôi khi trông hơi kì quái đều thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây trải nghiệm.

Được coi là một trong những tinh hoa văn hóa của Trung Quốc, có lịch sử hơn 160 năm, đến hiện nay đã có hơn 300 thể loại kinh kịch khác nhau, phong phú về số lượng các tiết mục, nghệ sĩ, đoàn kinh kịch. Đây được xem là loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc của Trung Quốc và được tôn vinh là ‘Opera Phương Đông’.

Tìm Hiểu 10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa - Riba.vn

VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

Vạn Lý Trường Thành là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại do nhân dân lao động Trung Quốc cổ đại tạo ra. Được xây dựng từ thế kỉ thứ 5 TCN, nhưng đến thời Tần Thủy Hoàng, công trình này mới được xem là hoàn thiện nhất. 

Để có được bức tường thành kiên cố như ngày hôm này, Tần Thủy Hoàng đã phải huy động hơn 2 triệu nông dân, binh lính và nô lệ để xây dựng. Họ phải làm việc cật lực từ sáng sớm tinh mơ đến khi mặt trời khuất núi, bất kể mùa đông hay là mùa hạ. 

Không những vậy còn thường xuyên bị ăn roi vọt của những tên cai quản tàn ác, cùng với điều kiện thiếu thốn, không đủ ăn đủ mặc, sự khắc nghiệt của thời tiết, đã có vô số người phải bỏ mạng nơi đây. 

Do đó Vạn Lý Trường Thành còn có cái tên là “Nghĩa trang dài nhất thế giới”, là hiện thân của máu, mồ hôi và trí tuệ của hơn một triệu nông dân và binh lính đã chôn vùi thân mình cùng vôi, vữa, đất, đá trong quá trình xây dựng thành.

Người xưa có câu nói: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”, chưa đến Trường thành chưa phải hảo hán. Câu nói phản ánh tinh thần dũng cảm và ý chí bền bỉ của con người Trung Quốc.

Sau hơn 2000 năm xây dựng từ triều đại này đến triều đại khác, mà bức tường này vẫn tồn tại kiên cố, vững chãi cho đến hôm nay khiến nhiều người phải trầm trồ, và là một bài toán thú vị thu hút các nhà khoa học tìm cách lý giải. Năm 1987, Vạn Lý Trường Thành chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, một công trình vĩ đại của thế giới, là niềm tự hào của người Trung Quốc.

KHỔNG TỬ

Khổng Tử (551 TCN- 479 TCN), họ Khống tên Khâu, một đứa trẻ khi lên ba đã sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, xuất thân trong mộ gia đình nghèo nhưng với lòng hiếu học đã khiến ông sớm trở thành một trong những nhà giáo dục và văn hóa tư tưởng nổi tiếng Trung Quốc thời cổ đại, là hình ảnh biểu tượng cho Nho giáo Trung Quốc. 

Nhắc đến Khổng Tử thì phải nói đến “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, kính”, những quan niệm của ông luôn đề cao con người, luôn lấy đạo đức và giáo dục làm trọng.

Ông được phong là Bậc thánh nhân, những triết lý mà ông để lại được lấy làm chuẩn mực sống cho người dân Trung quốc thời nay. Các tư tưởng và phương pháp giáo dục của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền giáo dục Trung Quốc.

Cùng với Lão Tử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông là một trong 3 nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực Đông Á. Hiện nay không chỉ trong giáo dục, mà ở các phương diện khác như kinh tế, chính trị, xây dựng xã hội thì những triết lý của ông được xem như là kim chỉ nam, vẫn còn có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với Trung Quốc nói riêng và các nước Đông Á chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo nói chung. 

NGHỆ THUẬT CẮT GIẤY

Trung Quốc đã phát minh ra nghề làm giấy vào thời Tây Hán và Đông Hán kéo theo đó là sự phát triển của nghệ thuật cắt giấy, một nghệ thuật dân gian truyền thống, có lịch sử hơn 1.500 năm. Đây là môn nghệ thuật dùng dao hoặc kéo để khắc hoa văn trên chất liệu giấy dùng để trang trí nhà cửa hay ở trong các dịp lễ tết đặc biệt.

Những tờ giấy đỏ, còn thơm mùi giấy mới, cùng những đường cắt tinh xảo, tỉ mỉ từ bàn tay khéo leo của người nghệ nhân đã tạo ra những vật phẩm trang trí vô cùng bắt mắt. Loại hình nghệ thuật này ban đầu xuất phát từ nghi lễ thờ cúng của người Hoa, họ viết chữ lên những tờ giấy đỏ sau đó dán lên tường, lên cửa với mục đích trừ tà.

Ngày nay trong các ngày lễ tết, đám cưới, mừng thọ… việc dán những hình vẽ giấy cắt như phượng, rồng, chữ song hỉ… đều được tin sẽ đem lại nhiều may mắn. Hiện nay công nghệ in ấn đã phát triển mạnh, nghệ thuật cắt giấy không còn được phổ biến và ưa chuộng như trước nữa. Nhưng đây vẫn là một nét độc đáo trong văn hóa của người Trung Hoa.

Hình ảnh chữ Hỉ, chữ Phúc màu đỏ được dán trên tường, trên cửa trong ngày cưới từ lâu đã là một nét đẹp trong văn hóa người Trung Quốc

THƯ PHÁP

Chữ Hán ở Trung Quốc bắt đầu từ việc vẽ tranh ảnh để ghi lại sự việc, trải qua hàng ngàn năm phát triển mới trở thành chữ viết hoàn chỉnh như ngày nay. Trong đó thư pháp, là bộ môn nghệ thuật sử dụng chữ viết cổ của người Trung Quốc, sử dụng bút lông, mực tàu để viết chữ trên giấy hay vải lụa. 

Bộ môn nghệ thuật tao nhã này được người xưa cho rằng chỉ dành cho học giả, tao nhân, người có học thức. Người viết thư pháp thuần thục phải trải qua thời gian tìm hiểu và luyện tập trong khoảng thời gian dài mới cho ra được những nét chữ thanh thoát tựa “rồng bay phượng múa”.

Có 5 phong cách viết thư pháp phổ biến nhất hiện nay đó là: “Khải, Triện, Lệ, Hành, Thảo”. Mỗi phong cách có những đặc điểm riêng biệt về đường nét, bố cục, kiểu chữ. 

Trong đó không thể không nhắc đến Vương Hi Chi, Nhan Nhân Khanh, Hoài Tố… đều là những bậc thầy trong bộ môn nghệ thuật đặc sắc này, dù mỗi người theo đuổi một trường phái riêng, mang bản sắc riêng nhưng tất cả đều hợp thành dòng chảy lớn tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa thư pháp Trung Hoa.

Không dừng lại ở những nét chữ, thư pháp ngày nay còn được xem là vật trang trí nhà cửa và món quà quý giá trong những dịp đặc biệt. Ngày nay, bộ môn nghệ thuật này đã trở thành niềm đam mê của rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc và các nước châu Á.

Tìm Hiểu 10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa - Riba.vn

GỐM SỨ TRUNG QUỐC

Gốm sứ, một trong những phát minh vĩ đại của người Trung Quốc xưa. Xuất hiện từ thời nhà Thương (1600–1046 trước Công nguyên), cùng với lụa, đây là hai mặt hàng chính được giao thương qua con đường tơ lụa cổ từ Trung Quốc sang các nước phương Tây.

Ban đầu gốm sứ được nung đúc, chế tác dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ thủ công xưa, trải qua khoảng thời gian dài phát triển, gốm sứ đã trở thành mặt hàng được đưa vào dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp để cho ra những sản phẩm tinh xảo, có độ chính xác cao.

Hiện nay, gốm sứ Trung Quốc được rất nhiều người ưa chuộng bởi mẫu mã đa dạng cùng với chất lượng cao, trở thành món quà ý nghĩa dành tặng người thân bạn bè khi có dịp đến với đất nước này. Đây được xem là sự sáng tạo trí tuệ và phát minh vĩ đại của Trung Quốc, là biểu tượng của nền văn minh Trung Hoa cổ đại.

Y HỌC CỔ TRUYỀN

Một trong những hệ thống y học đặc biệt, độc đáo của Trung Quốc, chuyên nghiên cứu sinh lý và bệnh lý của cơ thể con người, tìm ra phương pháp chẩn đoán, điều trị và chữa bệnh. Có truyền thống phát triển hơn 2.000 năm, hiện nay hình thức của y học cổ truyền Trung Quốc chủ yếu bao gồm châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, thảo dược, khí công…

Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng các bộ phận của cây như rễ, thân, lá… và số ít là các bộ phận của động vật để điều chế thảo dược chữa bệnh, sau đó các loại thảo dược này được sắc với nước trong khoảng thời gian nhất định thì mới đem cho bệnh nhân uống. Sự khác biệt chính giữa y học Trung Quốc và y học hiện đại phương Tây là lấy “tâm” làm gốc, luôn chú trọng yếu tố hòa hợp, cân bằng âm dương trong cơ thể con người.

Trong đó không thể không nhắc đến Hoa Đà, Lý Thời Trân, Biển Thước, hay Tôn Tư Mạc… đây đều là những đại danh y nổi tiếng trong lịch sử, đều có những ảnh hưởng vô cùng to lớn trong nền Y học cổ truyền uyên thâm của Trung Quốc nói riêng và các nước Đông Á nói chung. 

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Y học Trung Hoa đã không ngừng đổi mới, cải tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không thua kém gì so với nền y học hiện đại.

Ngày nay, các vấn đề sức khỏe của con người cùng với sự xuất hiện của các chủng loại virut, dịch bệnh mới dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của khoa học hiện đại. Điều này đã làm thôi thúc nhiều nhà khoa học, y bác sĩ lớn trên thế giới bắt đầu đặt chân trên hành trình về phương Đông, về với Trung Hoa để tìm hiểu những điều kỳ diệu, bí ẩn chưa được lý giải đằng sau những câu chuyện về các danh y Trung Quốc và những phương thức chữa trị đặc biệt này.

Tìm Hiểu 10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa - Riba.vn

Chỉ cần nhìn vào đó, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được những nét đặc sắc trong văn hóa và những vẻ đẹp của vùng đất, con người nơi đây. Đất nước Trung Hoa rộng lớn với lịch sử hàng ngàn năm còn vô số điều hấp dẫn khác mà chúng ta chưa thể khám phá hết. Hi vọng với những gì mà Riba chia sẻ trong bài viết sẽ đem lại những kiến thức mới mẻ và thú vị đến với các bạn nhé! Chúc các bạn thành công!

Hãy dành tặng tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền!

Thông tin liên hệ Riba

Chuyên mục:
Khám phá

Tất cả bình luận

Comments are closed.