nho nhu con khong do truong nao thi sao
162
Views

Nội dung chính

“Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao?” – Cảm giác bất lực và lo lắng vô cùng sao kể cho hết khi đặt chân vào con đường tự thân một mình xin học bổng toàn phần CIS để tiếp tục niềm đam mê đi du học Trung Quốc.

Giới thiệu về mình

Mình là Nhung – sinh viên năm nhất hệ đại học chuyên ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế đỗ học bổng CIS type A của trường đại học sư phạm Sơn Đông. Với GPA khiêm tốn chỉ 7.6 mình dám liều apply hai loại học bổng toàn phần giá trị nhất hiện nay là CIS và CSC.

Tuy là mình đã trượt CSC – loại học bổng mình hướng đến nhiều hơn nhưng hồ sơ của mình vẫn vượt qua được nhiều đối thủ khác và nằm trong danh sách dự bị của trường gửi lên CSC.

Nhưng với GPA khiêm tốn như vậy thì mình cũng coi đó là một thành tựu và cũng đúc kết được một số kinh nghiệm cho bản thân. 

Ngoài ra ở bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn về con đường theo đuổi ước mơ đi du học từ thuở sơ khai nhất và những trải nghiệm của mình khi học một năm tiếng ở Quế Lâm – Trung Quốc.

Mình đã học và quyết định du học Trung Quốc thế nào?

Bản thân mình sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, cụ thể hơn là Móng Cái – thành phố địa đầu Tổ quốc nơi có nền kinh tế cửa khẩu lớn nhất cả nước. Như vậy chẳng có gì là lạ khi chọn lựa tiếng Trung để làm một cái “cần câu cơm” cả.

Thực chất mình đã học tiếng Trung từ lớp 9, ngày ấy còn học cái quyển giáo trình “301 câu đàm tiếng Hoa”, thật sự là lúc đó không hề có một chút hứng thú với tiếng Trung, cộng thêm giáo trình kiến thức đã quá cũ nên mình nhanh chóng bỏ cuộc sau hơn một tháng theo học, những gì học được ở cuốn giáo trình đó mình hoàn toàn quên hết, ngay cả cách đọc pinyin cũng không biết. Cho đến tận năm lớp 12 mình mới nghiêm túc học tiếng Trung.

“Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao? Khó lắm bố ạ” - Riba.vn

Sau khi học tiếng Trung theo giáo trình Boya ở một trung tâm được 3 tháng thì mình thi đỗ HSK3 282 điểm. Vào thời điểm đó mình cảm thấy tiếng Trung là thứ duy nhất mà mình có thể học tốt, cho đến bây giờ mình cũng không rõ vì sao mình quyết định đi Trung Quốc học. 

Có lẽ là do năm đó mọi người đi du học quá nhiều như một “trào lưu” nên ừ thì… mình cũng muốn, hoặc cũng có lẽ là vì quá mông lung trước thực tại là bản thân không biết phải học gì ở Việt Nam, và nếu không học đại học thì mình biết làm gì đây nên đành trốn chạy vậy.

Từ khi đưa ra quyết định sẽ đi Trung Quốc học, mình hoàn toàn bỏ qua việc ôn thi đại học, hoàn toàn không điền nguyện vọng nào hồ sơ vì mang sẵn cái suy nghĩ “ đằng nào cũng đi sang kia học rồi thì cũng mất công ôn thi vất vả làm gì cho mệt”, làm gì có cái suy nghĩ lỡ như mà trượt học bổng thì còn có cái plan B dự phòng học ở Việt Nam.

Sau đó mình tự mình lên các group học bổng trên facebook nhằm tìm kiếm một trung tâm du học để giúp mình “vợt” được một suất học bổng rồi an phận mà đi học thôi. Mới ban đầu mình chỉ muốn đi gần thôi, Nam Ninh Quế Lâm gì đó đi đi về về cho tiện, người nhà cũng sang thăm được dễ dàng.

Nhưng lúc mình liên hệ với trung tâm thì những suất học bổng ở Quảng Tây đã không còn rồi, trung tâm giúp mình xin học bổng của trường Sư phạm Vân Nam, thủ tục diễn ra nhanh chóng và tương đối thuận lợi vì những năm trước học bổng 1+4 cho hệ đại học tương đối dễ, mình lại có sẵn HSK3 nên cứ đinh ninh là sẽ đỗ thôi.

Ngày đó học bổng tỉnh mỗi tháng vẫn được trợ cấp 1500 tệ chứ không như bây giờ, từng nấy cũng gọi là đủ tiêu xài, chứ mình cũng nhận thức được là mình không có cửa để với đến học bổng toàn phần.

Đến ngày 1/4 đang trốn ôn tốt nghiệp ngồi ăn chè ngoài cổng trường thì anh bên trung tâm gọi đến thông báo rằng mình đã trượt trường đó vì hồ sơ nộp quá muộn bị các bạn khác đẩy ra và hỏi mình có muốn đổi sang trường khác không. Vì đổi trường thì mình phải đổi ngành khác mà mình không thích nên mình quyết định không tiếp tục theo bên anh đó nữa và rút lại hồ sơ.

Sau đó mình quyết định nhờ chị mình xin một suất học bổng khác ở đại học Quảng Tây và đại học Sư phạm Quảng Tây ở một trung tâm khác, những kết quả mình đều trượt vì cả hai trường đều yêu cầu HSK4 đối với hệ đại học.

Lo lắng tột cùng, giờ đã tháng 4 rồi đường nào cũng không xong giờ mình biết phải làm sao? Giờ muốn học đại học ở Việt Nam cũng chẳng kịp, GPA không được cao nên muốn xét học bạ cũng khó khăn. Cố đấm ăn xôi quyết định đi học tự phí một năm tiếng.

Chuyện đi học một năm tiếng tại Quế Lâm

Trường mình theo học là Học viện công nghiệp hàng không Quế Lâm Quảng Tây.

Sau khi trượt học bổng ở đại học Quảng Tây và Sư phạm Quảng Tây hồ sơ của mình vẫn có sẵn ở phía trung tâm kia nên tiện họ nộp vào Quế Hàng giúp chứ lúc đó mình ngu ngu ngơ ngơ vập phải Quế Hàng chứ không phải các trường đại học lớn khác. 

Căn bản là mình đi học tự phí nên cũng không muốn tạo gánh nặng kinh tế quá nhiều cho bố mẹ nếu như mình đi các thành phố phát triển khác, do đó cũng tùy ý mặc cho số phận, mặc cho người ta đưa mình đi đâu thì đi. 

Mình sinh tháng 10 nên thời điểm nhập học mình chưa đủ 18 tuổi, bị chậm một tháng so với mọi người, cộng thêm năm 2019 trường kỉ niệm 40 năm thành lập, mình lại bị lùi một tháng nữa vì trong thời gian đó trường không xử lí hồ sơ tuyển sinh để tập trung toàn lực cho ngày lễ kỉ niệm.

Cực kì tiếc nuối vì đã bỏ lỡ vì kỉ niệm năm chẵn trường tổ chức cực kì hoành tráng. Gắn bó với Quế Hàng một thời gian ngắn thôi nhưng kỉ niệm đối với Quế Hàng mình có thể thao thao bất tuyệt mấy ngày không hết, Quế Hàng vẫn chiếm một phần quan trọng trong con đường theo đuổi ước mơ của mình. 

Dưới đây mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình ở Quế hàng nói riêng nhé và Trung Quốc nói chung nhé.

Kinh nghiệm và trải nghiệm ở Quế Hàng

Hồ sơ

  • Đơn đăng kí
  • Giấy khám sức khỏe
  • Ảnh
  • Trang đầu hộ chiếu
  • Bằng tốt nghiệp ( nếu không có thì nộp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời)
  • Học bạ
  • HSK (nếu có)

Các phí phải nộp

  • Học phí
  • Phí kí túc xá
  • Bảo hiểm: 800 tệ
  • Gia hạn visa: 400 tệ
  • Phí khám lại sức khỏe: 310 tệ
  • Phí mua sách vở: 500 tệ

Môi trường và điều kiện chung

Kí túc xá

Điểm mình mê nhất của Quế Hàng, KTX cực kì xịn, siêu rộng rãi (đánh cầu lông trong phòng còn được :)), đầy đủ tiện nghi, có bếp trong phòng, nhà vệ sinh, nhà tắm được chia ra hai phòng riêng, bên phòng tắm cũng có xí xổm nha nên đang tắm mà có buồn ẻ cũng không sợ nhé, còn bên nhà vệ sinh kia là bệ bệt. 

Có ban công sau phòng để phơi đồ (có luôn một cái máy giặt bên ngoài luôn). Trong phòng có điều hòa hai chiều. Vì KTX của du học sinh là mới xây không lâu nên đồ đạc nội thất đều rất mới.

Các Ayi quản lí sẽ điểm danh các phòng thường xuyên, thỉnh thoảng hội sinh viên Trung Quốc sẽ đến kiểm tra vệ sinh theo thông báo của nhà trường. 

Nhìn chung quy định không quá khắt khe, các bạn vẫn đi Bar tới sáng mới về Ayi vẫn để cửa sau cho vào, nhưng khi có biến là bảo an kéo xe đến trong vòng 10 phút. Các Ayi quản lí ở KTX cực kì dễ thương luôn, hay cười nói với bọn mình lắm.

Các chi phí bắt buộc

  • Nước uống 1 bình 10 tệ.
  • Nước nóng thì phải mua thẻ 50 tệ, dùng hết thì xuống phòng quản lí du học sinh để các cô phụ trách nạp thêm.
  • Điện: Trung Quốc thiếu gì chứ điện thì có thừa, tiền điện rẻ lắm, các Ayi quản lí KTX sẽ thường xuyên gửi danh sách thống kê tiền điện vào các nhóm trên wechat. Hết tiền thì không bị cắt đâu nhé, sẽ bị âm tiền và bạn phải nộp bù thôi.

Thời tiết

Mình chỉ ở Quế Lâm hai tháng mùa đông thôi cảm thấy ở Quế Lâm khá lạnh, lạnh hơn ở Việt Nam chút xíu (không có tuyết nhưng có sương giá) ít khi âm độ, mùa đông mưa nhỏ, vẫn lạnh ẩm, không khô nẻ như phía Bắc Trung Quốc. Mùa hè nghe nói mưa nhiều và nóng không kém Hà Nội.

Trường mình nằm trong khu 尧山风景区, theo suy luận của mình thì có lẽ là học trên núi nên cảm thấy lạnh hơn gió to hơn dưới đồng bằng chăng?? Gió to như gió bão, đêm hôm thấy cái thùng rác đi bộ, chai lọ ca hát, đèn thang bộ xanh xanh đung đưa nhảy múa thì cũng vui tai thích mắt lắm :))

Như trên mình đã nói thì trường ở trên núi nên phong cảnh siêu đẹp nhé, không khí siêu trong lành, thường xuyên có cầu vồng nè, máy bay bay qua đầu mỗi ngày luôn cực kì mê khung trời ở Quế Hàng.

Vị trí địa lí và môi trường sống

Quế Lâm có địa trí địa lí nhiều núi đá và các mạch nước ngầm, nên Quế Lâm không có tàu điện ngầm, trong thành phố rất ít các tòa nhà cao tầng, nhịp sống chậm rãi thong thả chủ yếu phát triển du lịch ở các điểm du lịch thiên nhiên. 

Vì thế bạn nào muốn nơi có nhịp sống nhanh phát triển thì có lẽ không phù hợp với Quế Lâm cho lắm.

Trường mình điểm trừ lớn nhất là cách trung tâm khá xa nên muốn đi đâu chơi xa thì gợi ý nên đi Bus chứ đi xe điện nguy cơ đẩy xe về khá là cao. Đặc biệt hơn là quãng đường đi từ trung tâm lên đến trường phải đi qua khuôn viên nghĩa địa dài mấy cây số, đi chơi đêm về muộn thì cứ nhìn thẳng tập trung mà đi nhé, hai bên đường không có đèn đâu. 

Đi chơi gần thì sáng thuê xe điẹn lao dốc xuống thì cực kì phê. Xung quanh trường dân cư không nhiều nhưng đồ dùng hay ăn uống cơ bản thì vẫn có đầy đủ.

Sinh hoạt phí hàng tháng

Ngoài những khoản bắt buộc phải chi như mình đã nhắc đến thì phí sinh hoạt cho cuộc sống ở Quế Lâm không hề cao. Mỗi tháng 1500 tệ là thoải mái cho việc ăn uống và chi tiêu lặt vặt, thỉnh thoảng vẫn chốt đơn taobao bình thường.

Môi trường học tập

Học một năm tiếng ở Quế Lâm sẽ được học từ đầu nếu như không có HSK, nếu có HSK chi chăng nữa thì vẫn xin xuống lớp dưới học từ đầu cũng được.

Mình sang trường thì trình độ đang ở HSK4 nên cũng muốn học lên tiếp để tránh lãng phí thời gian, theo sự sắp xếp của giáo viên mình vào lớp cuối HSK4 và đầu HSK5 để học lên.

Các môn học cơ bản ở Quế Lâm có môn tổng hợp, nghe, nói, đọc, viết. Giáo viên cực kì nhiệt tình và đáng yêu, vào những ngày lễ thường sẽ hay tặng quà cho bọn mình, mời đi ăn, đi uống trà sữa, nhiều lúc rất ngại luôn. Ngoài ra còn cực kì thích khen học sinh, khen nhiều đến nỗi cứ cảm thấy giả giả.

Trường bé nên du học sinh không nhiều nhưng bên viện quốc tế của trường thường xuyên kết hợp với Hội học sinh của sinh viên Trung Quốc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các bạn du học sinh có cơ hội tiếp xúc với các bạn sinh viên Trung Quốc. 

Nếu là người hoạt bát và chịu khó chút thì tìm được bạn Trung Quốc là không hề khó, tùy vào cá nhân mỗi người thôi.

Mình sang được hai tháng những kết được kha khá các bạn sinh viên Quế Hàng nói riêng và Trung Quốc nói chung, đến tận bây giờ vẫn còn liên lạc và giúp đỡ nhau rất nhiều, kết nhiều bạn không bao giờ thiệt mọi người ạ. 

Ngoài ra thì còn có các cuộc thi về học tập, văn nghệ, thể thao tổ chức hàng năm cho du học sinh cực kì phong phú nhé. 

Như đợt Tết năm 2020 các du học sinh hầu như đều về nước hết chỉ còn số ít ở lại thì trường còn kêu các bạn ở Hội sinh viên Trung Quốc mua đồ ăn đến KTX du học sinh làm lẩu mở liên hoan tặng quà Tết các kiểu vui lắm.

Sau khi học hết 2 kì học trường sẽ cấp cho bạn một giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và một bảng điểm (có giá trị kỉ niệm và làm đẹp cho hồ sơ apply hệ đại học sau này thôi chứ không có giá trị khi đi xin việc đâu nhé)

Những fact thú vị mà mình trải nghiệm được (J4F)

  • Du học sinh Thái Lan gái thì nhìn chung là cao hơn Việt Nam mình và cũng rất xinh, dễ thương và dễ chơi, trai thì hơi ít nhưng đặc điểm chung là dù cho có nói tiếng gì đi chăng nữa thì cái khẩu âm của họ rất dễ nhận ra…
  • Các bạn Châu Phi thì mùi cơ thể rất nặng nhưng đi từ xa đã ngửi thấy mùi nước hoa cực kì nồng. Cực kì thích đeo tai nghe đi ra đường, vừa đi vừa feel theo nhạc.
  • Đi dép lê ra đường thì 90% là Đông Nam Á.
  • Mang tiếng đi Trung Quốc học nhưng nói tiếng Thái tiếng Lào “em yêu anh” “em yêu anh” nhanh hơn cả nói 我爱你. 
  • Sawadika thông dụng hơn 你好Cảm giác các thầy cô rất ít thay quần áo :v (không biết mọi người có để ý không)
  • Người Việt nhưng đi học các thể loại tiếng địa phương, tiếng dân tộc của Việt Nam như một ngôn ngữ mới.
  • Các bạn người Hàn Quốc gái thì xinh trai thì đẹp nhưng thường chỉ thích chơi Hàn – Hàn với nhau.
  • Lào dễ chơi hơn Campuchia.
  • Gái Việt xinh hơn gái Trung (rất nhiều)
  • Trường mang tiếng rất nhiều trai nhưng đẹp thì tìm mòn mắt.
  • Các bạn sinh viên Trung Quốc cực kì chăm chỉ, thường sẽ đến lớp rất sớm.
  • Việt Nam sẽ hơi thiệt nếu đi Trung Quốc học vì ra đường nhìn mặt chẳng ai nghĩ là người nước ngoài. Nhưng khi biết là du học sinh thì mọi người đều sẽ rất nhẹ nhàng với bạn.
  • Tham gia các cuộc thi về học tập thì Việt Nam rất giỏi nhưng để chọn gương mặt để chụp hình nọ kia thì không được ưu tiên vì mặt “rất Trung Quốc”.
  • Các bạn Tây thường sẽ không thiết tha việc học lắm.
  • Tây trắng cực kì thân thiện, một chai bia là kết thành huynh đệ.
  • Mỗi ngày trung bình đi ít nhất 8000 bước chân vì trường rộng hơn Việt Nam rất rất nhiều.
  • Cửa phòng KTX không hề cách âm.
  • Trời không nắng thì thôi trời mà nắng thì phải gọi là triển lãm chăn.
  • Nhớ bún đậu mắm tôm, phở bò, bún chả, xôi, bánh mì… hơn cả nhớ gia đình.

  • Không được tin lời bất kì người Trung Quốc nào khen về trình độ tiếng Trung.
  • Nhà vệ sinh ở Trung tâm thương mại như một cái mê cung không lối ra.

  • Đi bộ qua đường ở Việt Nam có thể liên quan đến tính mạng, còn ở Trung Quốc thì cứ thế mà lao không sợ chết, người đi bộ được ưu tiên.
  • Không biết dùng map thì tốt nhất ngoan ngoãn ngồi đằng sau, đừng tranh  cầm lái làm gì, hậu quả khôn lường. Bỏ lỡ một lối rẽ là phải trả giá cho 30 phút tiếp theo.
  • “Không cay” là hơi cay, “cay bình thường” là rất cay,  “cay” là toét đít :v
“Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao? Khó lắm bố ạ” - Riba.vn

Tựu chung lại, học một năm tiếng ở Quế Hàng của mình chủ yếu là để trải nghiệm là nhiều, học được rất là ít, nếu các bạn có ý định học một năm tiếng thì nên trân trọng. 

Với tình hình hiện tại học bổng 1+4 rất ít, nếu bạn nào cảm thấy muốn trau dồi khả năng tiếng và trải nghiệm cuộc sống ở Trung Quốc ở một thành phố khác trước khi xin học bổng vào đại học thì hướng đi như mình cũng rất tốt.

Mình có nói với các bạn Trung ở Quế Hàng là: tuy mình đến Quế Hàng chỉ là bất đắc dĩ thôi nhưng có khi đó lại là cái may, một năm này mình nghiệm ra được nhiều điều hơn, mình không muốn đi gần nữa, mình muốn đi xa hơn, mở rộng tầm mắt hơn.

Văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc khác biệt rất lớn mình muốn đi xa hơn để có cái nhìn mới hơn về Quế Hàng nói riêng và Trung Quốc nói chung, kiến thức của mình về tiếng Trung sẽ tốt hơn, từ đó mình tự giác hơn trong việc chọn trường apply hệ đại học sau này.

Ngoài ra khi chọn học một năm tiếng trước thì cá nhân có thể tạo dựng được các mối quan hệ với thầy cô và bạn bè cực kì có ích cho sau này nhé. 

Các thầy cô rất sẵn sàng viết thư giới thiệu cho bạn và sẽ đưa ra những lời khuyên thiết thực nhất cho bạn, tốt nhất hãy cố gắng cởi mở hơn để mở rộng mối quan hệ . Mình thấy mình không hề thiệt khi trượt học bổng hệ đai học năm đó và không có gì hối tiếc cả.

Tự apply học bổng CSC và CIS năm 2021 cho hệ đại

Lí do apply hai loại học bổng này

Sau khi hoàn thành kì một ở Trung Quốc và học kì hai phải học online ở nhà mình xác định luôn là mình sẽ đi Trung học tiếp đại học, và lần này mình thật sự phải chủ động rồi, không ai có thể làm thay mình nữa kể cả gia đình. 

Gia đình mình buôn bán làm ăn rất bình thường không phải thuộc dạng khá giả gì, với trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn ra và còn kéo dài việc kinh doanh của bố mẹ rất khó khăn.

Bản thân mình có nói với bố mẹ là muốn đi học tiếp, bố mẹ không phản đối nhưng hơi đắn đo vì nếu tiếp tục đi qua trung tâm với suất học bổng toàn phần thì cũng không dưới 100 triệu, số tiền ấy quá lớn, mình cũng không muốn tạo thêm gánh nặng, mạnh dạn tự tin nói “con sẽ tự xin học bổng để đi học”.

 “靠山山倒,靠人人老,靠自己最好”, mình không thể để sai lầm ngày xưa lặp lại một lần nữa. Mình tham vọng hơn rất nhiều và cứng kì cứng đầu và liều lĩnh hơn khi chỉ xác định apply học bổng toàn phần chứ nhất định không có plan B cho các học bổng thấp hơn, coi như nếu không đỗ là xác định không đi luôn, may quá lại đỗ chứ không giờ chẳng biết làm gì. 

Có lẽ với cái suy nghĩ liều lĩnh ấy nên quá trình mình chuẩn bị hồ sơ mất rất nhiều thời gian và làm cực kì cẩn thận. 

các bước apply và lời khuyên

  • Chọn ngành: nhất định phải xác định ngành học trước khi chọn trường, chỉ có bạn mới biết thế mạnh mình là gì mà mình có thể học được gì.
  • Chọn khu vực mà bạn muốn đi
  • Chọn trường: xem xếp hạng ngành để chọn trường, không nên ham ranking của trường mà apply. Bạn học ngôn ngữ nhưng apply vào các trường 211 – 985 chuyên về các ngành khoa học kĩ thuật thì chẳng để làm gì. Quá phí!!!
  • Tiến hành làm hồ sơ theo yêu cầu của trường: lên web trường đọc thật kĩ thông tin tuyển sinh theo từng năm và yêu cầu hồ sơ apply. ở bước này thì nhiều trường rất lười update thông tin bạn phải chủ động liên hệ với trường thông qua email để xác nhận thông tin hoặc trực tiếp gọi điện hỏi thật rõ.
  • Chú ý xem trường có chỉ tiêu cho hệ bạn muốn apply hay không (cực kì quan trọng). 

Khi đến nước này vẫn không liên lạc được với trường thì mình khuyên tốt nhất là né luôn cái trường đó ra, căn bản điều này thể hiện họ không quá quan tâm về việc tuyển sinh, bạn có đỗ vào trường đi chăng nữa thì tương lai chưa chắc công tác chăm sóc sinh viên của trường đó tốt.

  • Hoàn thành hồ sơ và chờ đợi phỏng vấn và kết quả cuối cùng
“Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao? Khó lắm bố ạ” - Riba.vn

Hồ sơ apply của mình

Mình apply CSC ngành tiếng Trung thương mại trường Đại học công thương Chiết Giang và apply CIS với Đại học sư phạm Hàng Châu (sau ngày trường đẩy hồ sơ về để mình đổi nguyện vọng sang trường khác vì năm nay trường không tổ chức học online). 

Sau cùng mình đã chọn Sư phạm Sơn Đông để bắc tiến như đúng nguyện vọng ban đầu.

  • Đại học công thương Chiết Giang xếp hạng 148 tổng hợp các trường đại học toàn quốc, xếp hạng 8 cả nước với khối ngành tài chính, xếp thứ 6 toàn tỉnh Chiết Giang
  • Đại học sư phạm Sơn Đông xếp hạng 129 tổng hợp các trường đại học toàn quốc, xếp hạng 12 các trường Sư phạm, xếp hạng 5 toàn tỉnh chỉ sau các trường 985-211

Mình sẽ cố gắng chia sẻ chi tiết nhất cách làm hồ sơ và kinh nghiệm rút ra được để đưa cho mọi người lời khuyên mình cho là hữu ích nhất:

  • GPA: 7.6

Mình học lệch về các môn xã hội, các môn về tự nhiên rất kém đã kéo điểm xuống rất nhiều và từ đầu không có mục tiêu rõ ràng cho việc đi du học sau này nên không nghĩ GPA quá quan trọng giờ hối hận cũng không kịp GPA là thứ không thể thay đổi được. 

Bạn nào có ý định đi du học thì nên xác định sớm chút và cố gắng kéo GPA lên, cũng có thể thử trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về nguyện vọng đi du học của mình mong các thầy cô sẽ du di điểm cho (trường cấp 3 của mình các thầy cô rất tạo điều kiện trong vấn đề này).

  • HSK5 236 điểm và HSK6 195 điểm
  • HSKK trung cấp 74 điểm

Mình thi HSK5 (11/2020) aim 250-260 điểm, phần nghe làm đề ở nhà chưa bao giờ dưới 90 điểm nhưng hôm thi vì do tâm lí nên 5 câu cuối phần nghe sơ sẩy một câu và kéo theo những câu còn lại như vịt nghe sấm nên điểm nghe bị kéo xuống.

phần đọc thì trước giờ chưa bao giờ là thế mạnh của mình, đề thi hôm ấy phần đọc rất dài và nhiều từ mới nên phần này ít điểm nhất.

Phần viết đề dễ thật sự! đề phần viết hôm đó rất dễ mình viết liên tù tì hoàn thành rất nhanh nhưng khi ra phòng thi thì phát hiện có một thành ngữ bị viết sai và có vài chỗ thiếu nét hoặc dùng sai từ nên cộng lại điểm HSK5 không đạt aim.

Vì điểm HSK5 thấp nên các bạn khuyên mình thi lại nhưng thấy thi lại vẫn thi 5 thì tiếc tiền quá nhưng lại chần chừ xem có nên thi 6 không vì 6 với 5 khoảng cách rất xa, thông sự gạ gẫm quyết liệt của một người bạn mình quyết định thi HSK6 thật.

Kể từ ngày đăng kí thi đến ngày thi có hơn 1 tháng để ôn, cuối cùng vì dịch nên bị hoãn lại 2 tuần, tổng cộng mình có khoảng 1 tháng rưỡi để ôn thi HSK6 với aim 200 điểm.

Cuối cùng vẫn là thiếu 5 điểm để đạt aim. Với những bạn có ý định ôn thi cấp tốc như mình thì trực tiếp luyện đề luôn chứ đừng học riêng xong mới đi làm đề, không có thời gian để nhồi nhét 2500 từ đâu, từ vựng của HSK6 mình thấy chủ yếu có thêm nhiều từ Hán Việt và thành ngữ nên, luôn luôn khuyên mọi người học tiếng Trung học song song cả nghĩa Hán Việt, các điểm ngữ pháp của HSK6 trên mạng đều có file tổng hợp mọi người có thể tìm nhé.

Còn về HSKK thì mình hoàn toàn không ôn, chỉ xem qua cấu trúc đề thi trước ngày thi thôi. Khả năng khẩu ngữ của mình đủ tự tin để pass trung cấp dễ dàng nên mình dành thời chủ yếu ôn HSK thôi.

“Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao? Khó lắm bố ạ” - Riba.vn
  • Thư giới thiệu: 1 thư của giáo viên chủ nhiệm cấp 3 và 1 thư mình xin của cô giáo ở Quế Hàng

TGT của giáo viên chủ nhiệm cấp 3 là mình tự viết và nhờ bạn Trung Quốc sửa ngữ pháp rồi in ra cho cô giáo kí, đây là lần thứ 2 đi xin chữ kí của cô rồi nên cô kí cho luôn mà không cần suy nghĩ. Nếu xin được thư của lãnh đạo nhà trường thì có lẽ là xịn sò hơn nhưng mình không được và với nữa là cô chủ nhiệm là người theo sát việc học của mình nhất nên mình có thể dễ dàng “giả giọng văn” của cô hơn.

TGT còn lại cực kì may mắn là khi tìm cô dạy tiếng Trung cũ ở Quế Hàng bày tỏ rằng mình đang xin học bổng Chính phủ Trung Quốc để học đại học cô cực kì ủng hộ và đồng ý viết cho mình ngay lập tức, cô còn nói rằng đây là vinh dự của cô khi được giới thiệu học sinh đến tận Chính phủ, làm mình cảm động cực kì.

  • Kế hoạch học tập: mình viết một bản KHTH hơn 3000 chữ hoàn toàn bằng tiếng Trung và lại gửi cho bạn Trung Quốc để sửa lỗi. Sau đó edit cực kì cẩn thận, căn lề đổi màu chữ sao cho thật thuận mắt. Ngoài ra nên kết hợp linh hoạt bảng biểu để nhìn trông ấn tượng hơn. Xin lỗi là mình không thể share toàn bộ KHHT của mình được nên mình sẽ gửi các bạn dàn bài mình viết như dưới đây.

KHHT của CIS thì mình đại khái cop từ CSC sang và thay đổi một số chỗ là xong

Chứng chỉ hoạt động ngoại khóa: đối với những bạn chỉ app CIS thì thật sự là không cần vì chả có chỗ cho bạn up lên đâu, CIS không yêu cầu, nếu có thì khi phỏng vấn khoe khéo là được.

  • 1 cert của WHO
  • 1 cert của Alison
  • 2 cert trại đông
  • 1 cert khi tham gia cuộc thi viết ở Quế Hàng và đạt giải (mình gửi cả bài dự thi này cho trường luôn)
  • 1 giấy chứng nhận tốt nghiệp một năm tiếng của Quế Hàng

Giấy xác nhận dân sự: ở xã mình ở không có mẫu đề điền nên mình lên mạng tìm mẫu và đánh máy ra kí tên rồi mang xuống công an xã xin chữ kí.

  • Hộ chiếu
  • Học bạ và bằng tốt nghiệp
  • Giấy khám sức khỏe
  • Ảnh thẻ

Tổng chi phí apply

CSC

  • Khám sức khỏe (ở bệnh viện Tràng An- Hà Nội): 450k.
  • Chụp ảnh: 40k
  • Dịch thuật công chứng học bạ, bằng tốt nghiệp và giấy XNDS (dịch và công chứng ở văn phòng luật sư): 360k
  • Xin dấu ở giấy XNDS: 20k
  • Scan và photo: 120k
  • Phí báo danh: 400 tệ (khoảng 1tr5)

CIS

  • Xin thư giới thiệu của viện Khổng Tử: 200k
  • Xin giấy chứng nhận kết quả tạm thời (chưa có giấy báo chính thức nên mới cần): 50k

TỔNG: trên dưới 2 triệu 700 nghìn

Nếu không tính tiền phí apply thì các phí còn lại không đáng là bao, mình chỉ apply 1 trường cho học bổng CSC vì không còn trường nào khác có ngành tiếng Trung thương mại cho hệ đại học mà mình có khả năng đỗ được nên trượt CSC là xác định học CIS. Mà trượt CIS thì…

Upload hồ sơ, đợi phỏng và kết quả cuối cùng

Sau khi rà soát lại tất cả tài liệu không được có bất kì sai sót thì tiến hành upload hồ sơ

  • Đối với CSC thì phải upload trên cả trang chủ của CSC và web trường, việc rất dễ rồi nó sẽ chia ra từng mục và mình cứ theo đó mà up lên thôi.
  • Đối với CIS cũng thế, sau khi up hoàn thành hồ sơ và được Viện Khổng Tử duyệt thì sẽ nhảy liên bước 3. 

Mọi người nhớ thường xuyên kiểm tra trạng thái nhé. Mình bị Sư phạm Hàng Châu đẩy về bước 1 để đổi nguyện vọng khác, kiểm tra thường xuyên để xử lí kịp thời các tình huống bất ngờ nhé.

Sau những ngày tháng chờ đợi trong lo sợ, khủng hoảng vì viết kế hoạch học tập, đau đầu vì điểm GPA quá thấp, stress tột độ vì nghĩ rằng nếu như không đỗ thì mình biết đi đâu về đâu bây giờ, mình quá liều, quá tham học bổng toàn phần. Thỉnh thoảng bố mẹ cũng hỏi thăm

– “ Thế giờ sao rồi, thế liệu có đỗ được không”

– “ Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao? Khó lắm bố ạ. Điểm cấp ba thấp quá người ta toàn đi qua trung tâm thôi…”

– “thế có cần đi qua trung tâm nào không?”

– “…dạ thôi…”

Tiền đâu mà đi qua trung tâm nữa bố ơi… 20 tuổi đầu chưa kiếm được đồng nào, học hành thì vô định chưa biết đi đến đâu, bản thân đã nỗ lực hết sức rồi, nếu không làm được thì con sẽ tự chịu trách nhiệm…

Sau mấy tháng chờ đợi thì mình đã được Công thương Chiết Giang nhận vào trường và nằm trong danh sách dự bị gửi lên CSC duyệt ( trường không tổ chức phỏng vấn). 

Còn đối với CIS thì bị hoãn lịch phỏng vấn một lần và thật ra mình nhắm đến CSC hơn nên tâm lí của mình với CIS cực kì thoải mái, không chuẩn bị gì nhiều nên phỏng vấn rất dễ dàng thông qua và nhận được phản hồi tốt của thầy cô.

Cuối cùng thì mình nhận tin báo đỗ của CIS ngày 14/7 nhưng bản tính ngoan cố cứ muốn chờ tin cuối cùng từ CSC cho đến ngày 29/7 mình chính thức nhận mail báo trượt từ Chiết Thương, ngày 30/1 chính thức chấp nhận mình là sinh viên mới của Sơn Sư và làm thủ tục nhập học.

“Lỡ như con không đỗ trường nào thì sao? Khó lắm bố ạ” - Riba.vn

Kết

Con đường theo đuổi giấc mơ đi Trung Quốc học của mình đi hơi vòng, có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ đằng sau mỗi quãng đường, thật sự có đêm không ngủ được vì lo lắng. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, ban đầu năm đó tốt nghiệp xong cấp ba mình quá thụ động, phó mặc cho người khác cứ thế vẽ đường cho mình đi mà quên rằng đôi chân này là của mình, mình muốn đi đến đâu, đâu mới là đích chỉ chính mình mới biết.

Mình đã chọn đi một mình thì mình phải dùng hơn 100% nghiêm túc và hơn 1000% sự nỗ lực, khi mình nghiêm túc chủ động chuẩn bị thật cẩn thận hành trang trước khi lên đường thì dù có đi đường vòng bao xa đi chăng nữa thì nhất định cũng sẽ đến đích thôi mà nhỉ. Cảm ơn bố mẹ đã hỗ trợ con lộ phí trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng mình luôn không ngừng thúc giục mình mình tiến lên phía trước, luôn tin tưởng mình làm được. Cảm ơn những vị khách qua đường đã tiếp sức cho mình, những lúc mình tạm dừng chân đi qua gửi tới mình những lời chúc tốt đẹp nhất chờ đợi ngày mình đặt chân tới vạch đích.

Cuối cùng là muốn cảm ơn bản thân: thành công rồi! Mình đã thành công rồi! Mình tự đi nhưng mình cũng có thể tự đến đích! Mình giỏi và mình có quyền tự hào về điều đó!! Cảm ơn nhiều lắm.

Mỗi người có một con đường riêng, mình đang đứng ở đây đợi bạn đến, mình có thể làm người đồng hành, làm một vị khách qua đường gửi đến bạn những lời động viên chân thành nhất, ước mơ của bạn đáng được tôn trọng và trân trọng. Mình chờ ngày bạn thành công.

《机遇会留给有准备的人,成功属于有梦想的人》

Hãy dành tặng tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền!

Thông tin liên hệ Riba

Chuyên mục:
Nhật Ký Du Học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *