sinh-vien-chuyen-nganh-ngon-ngu-anh-du-hoc-trung-quoc
178
Views

Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh du học Trung Quốc, tại sao không?

Đối với mỗi một vấn đề, mỗi người sẽ nhìn nhận theo những góc độ không giống nhau, do đó, với mỗi một câu hỏi được đặt ra, mỗi chúng ta sẽ có những câu trả lời khác nhau. 

Bài viết này không nhằm khẳng định lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn đối với tất cả mọi người, trong mọi trường hợp, mình chỉ mong rằng những chia sẻ, kinh nghiệm cá nhân của mình có thể giúp cho những bạn còn đang đứng giữa ngã ba hay ngã tư đường sẽ có những định hướng rõ ràng hơn, tìm được câu trả lời phù hợp cho riêng mình. 

Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh du học Trung Quốc, tại sao không? - Riba.vn

Đôi nét về mình

Hi~, mình là một sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, định hướng Phương pháp giảng dạy, trường Đại học Hà Nội. 

sinh-vien-chuyen-nganh-ngon-ngu-anh-du-hoc-trung-quoc-tai-sao-khong
Trường Đại học Hà Nội

Trong mùa học bổng vừa rồi, mình đã thành công trở thành nghiên cứu sinh Thạc sỹ chuyên ngành Giáo dục So sánh và Giáo dục Quốc tế (Comparative and International Education), đại học Ngoại ngữ Thượng Hải với học bổng toàn phần Học bổng Chính phủ Thành phố Thượng Hải. Hồ sơ của mình như sau:

  • GPA: 3.39/ 4, nhận học bổng khuyến khích học tập của trường trong 4 kỳ, top 10% sinh viên xuất sắc của Khoa (các bạn đọc tiếp phần dưới bài viết để xem mình liệt kê chi tiết như vậy có phải đang “khoe” không hay vì một mục đích chính đáng nào khác nhé :)) )
  • Chứng chỉ ngoại ngữ: IELTS 7.5, HSK 4 (296)
  • Tham gia Nghiên cứu khoa học do Khoa tổ chức 
  • Tham gia chương trình trao đổi văn hóa 10 ngày tại một trường đại học ở Singapore 
  • Liên lạc viên phục vụ Hội nghị ASEAN 2020 dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương
  • Đại biểu Hội nghị 5th China – ASEAN Youth Summit (online) tổ chức bởi Đại học Bắc Kinh
  • Ngoài ra, mình còn tham gia một số hoạt động ngoại khóa khác như dạy tiếng Việt cho các bạn tình nguyện viên nước ngoài của ICYE Vietnam, điều phối viên Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc, …
  • Kinh nghiệm làm việc: Mình xin học bổng khi còn là sinh viên năm cuối nên chưa có kinh nghiệm làm việc chính thức, tuy nhiên, mình đã đề cập trong kế hoạch học tập của mình những công việc làm thêm trong suốt thời đại học của mình và công việc thực tập vì đều liên quan đến lĩnh vực Giáo dục (Trợ giảng, chuyên viên điều phối chương trình tiếng Anh tại các trung tâm tiếng Anh, trợ lý trại hè tiếng Anh, …)

Vì sao mình chọn du học Trung Quốc?

Mọi người thường nghĩ học Ngôn ngữ Anh thì đi du học tại các nước nói tiếng Anh là “chuẩn bài” rồi. Tuy nhiên, dù mình đi du học tại các nước nói tiếng Anh với học bổng toàn phần (học phí) thì sinh hoạt phí đắt đỏ vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của gia đình mình.

Nhiều anh chị vẫn lựa chọn đi và vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống đấy thôi, vừa có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc sống và con người bản xứ vừa dày dạn kinh nghiệm sống, nhưng bạn phải đảm bảo mình có khả năng chịu áp lực cực kỳ lớn và đứng trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền đến nỗi lơ là học hành, sức khỏe sa sút.

Lựa chọn như nào còn phụ thuộc vào mục đích và định hướng đi du học của mỗi người. Bản thân mình mong muốn đi du học để trải nghiệm một nền văn hóa mới nhưng theo một cách “nhẹ nhàng” hơn, mình muốn tập trung vào việc học và trải nghiệm cuộc sống mà ít bị áp lực về mặt kinh tế, thoải mái hơn về mặt tinh thần nên mình đã nhắm đến Trung Quốc – một quốc gia với nhiều loại học bổng rất “xông xênh” giành cho sinh viên quốc tế.

Ngoài ra, mình học Ngôn ngữ 2 – tiếng Trung tại trường mình, học hành cũng khá là “phất” nên dần dần đem lòng yêu mến tiếng Trung, muốn sang Trung du học để không phí phạm vốn tiến Trung của bản thân. 

Nhưng mình cũng không muốn từ bỏ công sức mấy năm đại học đèn sách mài giũa tiếng Anh của mình. Những trăn trở này trở thành động lực dẫn đến quyết định du học Trung Quốc và về sau này là việc chọn ngành, chọn trường học của mình.

Chọn ngành hay chọn trường?

Hồi đầu, mình khá tự tin với hồ sơ của bản thân và có ý định nộp hồ sơ vào Đại học Chiết Giang với suy nghĩ “nộp trường top mới có tính thử thách bản thân”, nhưng mình đã trượt từ “vòng gửi xe” (vòng xin thư chấp thuận từ Giáo sư).

Ban đầu, mình định nộp vào chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng trong ngôn ngữ nước ngoài của Chiết Đại, nhưng sau thất bại bước đầu, mình đã dành thời gian suy ngẫm kỹ lại liệu bản thân thực sự thích chuyên ngành mà mình định theo học hay chỉ vì mong muốn được mang danh “sinh viên trường top”.

Cuối cùng, mình quyết định từ bỏ ước mơ Chiết Đại và tìm kiếm một chuyên ngành khác phù hợp với hoàn cảnh, nguyện vọng và sở thích của bản thân hơn. 

Mình hướng đến các chuyên ngành liên quan đến Giáo dục, giảng dạy bằng tiếng Anh tại các trường đào tạo ngôn ngữ vì trường Đại học Hà Nội của mình cũng đào tạo các chuyên ngành (không phải ngôn ngữ) bằng tiếng Anh và được sinh viên theo học phản hồi tích cực về chất lượng đào tạo.

Nếu bạn nào có đam mê với lĩnh vực Biên – Phiên dịch mà có vốn tiếng Anh và tiếng Trung tốt thì có thể tham khảo chuyên ngành Dịch Anh – Trung nha. Một Thầy giáo thời đại học của mình đã kể cho mình nghe về một số anh/ chị khóa trước cũng chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, học Ngôn ngữ 2 tiếng Trung đi du học Thạc sỹ tại Trung Quốc Biên – Phiên dịch Anh – Trung, Thầy nói đây là một hướng đi “rất thú vị”. 

Mình tìm kiếm trường theo chuyên ngành và khu vực mình thích trên Campuschina, sau đó tiếp tục tìm hiểu trên website của trường để có thể nắm được thông tin chính xác và cập nhật nhất về quy chế tuyển sinh và chính sách học bổng (có thể thay đổi theo từng năm). 

Mình tổng hợp thông tin những trường mà mình nhắm tới (chuyên ngành, những loại học bổng có thể apply, có thi và phỏng vấn đầu vào hay không và những lưu ý đặc biệt khác, …) thành một bảng để tiện theo dõi trong quá trình làm hồ sơ sau này.

Sau một thời gian tìm hiểu và cân nhắc tình hình thực tế, mình quyết định năm nay chỉ nộp đúng một nguyện vọng vào trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải vì tình hình dịch bệnh chưa ổn định, nếu trượt năm nay thì năm sau mình nộp lại, nộp nhiều nguyện vọng hơn để tăng cơ hội đỗ. 

Trải qua quá trình chuẩn bị các loại hồ sơ giấy tờ, ôn tập, chờ đợi thi đầu vào, phỏng vấn và kết quả học bổng dài đằng đẵng, mình thở phào nhẹ nhõm vì may mắn “một lần đã trúng đích” rồi.

Các bạn không nên liều như mình nha, lỡ trượt rồi năm sau nộp lại rất dễ nản, một năm chờ đợi thực sự dài đằng đẵng.

Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh du học Trung Quốc, tại sao không? - Riba.vn

Mình đã chuẩn bị những gì?

Giấy chứng nhận tình trạng học sinh/ sinh viên

Tại thời điểm nộp hồ sơ, mình vẫn chưa tốt nghiệp nên mình phải lên Văn phòng Khoa và Phòng Công tác Sinh viên xin dấu xác nhận mình hiện đang là sinh viên theo học tại trường và thời gian tốt nghiệp dự kiến. 

Mình lấy mẫu xác nhận có sẵn trên website của trường mình, các bạc thử tìm kiếm trên website của trường các bạn hoặc có thể trực tiếp lên Văn phòng Khoa trình bày nguyện vọng để các Thầy Cô hướng dẫn nha. 

Bảng điểm

Đối với sinh viên năm cuối, các trường sẽ yêu cầu bảng điểm bao gồm kết quả của kỳ gần nhất tính tới thời gian nộp hồ sơ xin học bổng (bảng điểm 7 kỳ). Mình xin cấp bảng điểm tại Phòng Đào tạo của trường mình. 

Chứng chỉ ngoại ngữ

Mình học chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh nên yêu cầu đầu vào phải có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL, không yêu cầu chứng chỉ HSK. Tuy nhiên, trước đó mình đã học Ngôn ngữ 2 tiếng Trung tại trường trong khoảng 8 tháng rồi nên đi thi lấy chứng chỉ để đánh giá năng lực bản thân cũng như làm đẹp hồ sơ.

Mình tin rằng có chứng chỉ HSK, hồ sơ của mình sẽ có sức cạnh tranh hơn, đặc biệt khi mình nộp vào một trường đào tạo ngôn ngữ, việc có cả 2 loại chứng chỉ ngoại ngữ sẽ là một điểm sáng, thể hiện thái độ tích cực của bản thân đối với việc đi du học Trung Quốc.

Các Thầy Cô luôn luôn đánh giá cao sự tích cực, chủ động tìm tòi, học hỏi của học sinh mà. Hơn nữa, dù sao thì chúng mình cũng cần biết tiếng Trung để có thể thích ứng tốt hơn với của sống du học sau này tại Trung Quốc đúng không nào? 

Tuy nhiên, mình khuyên các bạn nên tập trung học một ngôn ngữ (phục vụ cho chuyên ngành học của bạn) cho thật tốt trước đã rồi mới chuyển sang cải thiện ngôn ngữ còn lại, nếu không sẽ rất dễ bị loạn và đến lúc thi cả 2 kết quả đều không được cao lắm thì cũng rất dở dang.

Mình đi thi HSK với một tâm trạng rất thoải mái “được thì được mà không được thì cũng chẳng mất gì” và đạt được kết quả ngoài sức mong đợi. Mình thậm chí còn thi HSK trước cả thi IELTS cơ mà. 

Mình ôn luyện lại từ vựng trong giáo trình Hán ngữ từ quyển 1 đến quyển 4 và làm 10 đề ôn tập tổng hợp (các bạn search “Đề thi thử HSK 4” trên Google là ra nè chứ mình không có bí kíp hay tài liệu quý, tài liệu mật nào đâu) trong 1 tháng, nhưng “bữa đực bữa cái” vì mình còn bận tập trung ôn IELTS nữa.

Nhưng thi IELTS mình lại đặt mục tiêu quá cao, áp lực khá lớn nên mình tự ôn luyện dòng dã 4 tháng trời rồi mãi mới dám đi thi. Thế mới thấy tâm lý khi ôn tập, thi cử quan trọng đến mức nào. 

Các bạn cố gắng giữ tâm thái thoải mái chút và cũng đừng trì hoãn đi thi chứng chỉ ngoại ngữ như mình kẻo ảnh hưởng đến tiến độ nộp hồ sơ. Hãy cứ tin rằng hoàn thành chuẩn bị và nộp hồ sơ càng sớm càng có sức cạnh tranh nha.

Kế hoạch học tập (KHHT)

Theo mình, kế hoạch học tập (bài luận) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xin học bổng nên mình đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu và đọc rất nhiều các bài viết trong nhiều hội nhóm du học để biết được kế hoạch học tập gồm những phần nào. Sau đó, mình tổng hợp và kết nối lại thành câu chuyện của riêng mình.

Ban đầu, mình “phiêu” quá nên viết tận 7 trang word lận, mình nhờ một Cô giáo dạy mình đọc và đưa ra nhận xét để mình hoàn thiện bài luận, Cô nhận xét bài mình hơi lan man, khiến người đọc khó nắm bắt được trọng điểm. Sau đó mình đã tự đọc lại, cô đọng lại còn khoảng 5 trang. Mình nghĩ 5 trang là vừa đủ đối với KHHT của hệ Thạc sĩ, các bạn đừng như mình lúc ban đầu kẻo “nói dài, nói dai thành ra nói dại” nha.

Các bạn viết xong KHHT nên nhờ người khác với trình độ ngôn ngữ tốt (Thầy, Cô giáo hay bạn bè) để góp ý nội dung, chỉnh sửa cách diễn đạt cho mượt hơn nhé.

Vì sao nói KHHT rất quan trọng? Những công việc làm thêm, hoạt động ngoại khóa, hoặc như trường mình sinh viên nhận học bổng khuyến khích học tập không hề có giấy chứng nhận hay bằng khen để nộp kèm lúc nộp hồ sơ, cho nên mình đã lồng ghép trong KHHT của mình, đặc biệt nhấn mạnh những trải nghiệm này đã mang lại những kinh nghiệm, kỹ năng giúp phát triển bản thân mình như thế nào để tăng độ chân thực và tính thuyết phục của những điều mình nói.

Ngoài ra, GPA của mình 3.39, so với một số bạn học trường khác thì chưa được tính là cao, cho nên mình đã khéo léo “khoe” mình thuộc top 10% sinh viên xuất sắc của Khoa, được nhận học bổng khuyến khích học tập trong vài kỳ, khi đặt vào một khung tham chiếu cụ thể như vậy, GPA 3.39 của mình trở nên có giá trị hơn. 

Như đã đề cập trong phần mở đầu, đây là một cách mình dùng để đánh bóng bản thân.

Ngoài ra, mình một ý tưởng cho KHHT do một chị đã đỗ vào Chiết Đại mùa học bổng 2020 chia sẻ vô cùng hữu ích và mình cũng đã áp dụng vào chính bản KHHT của bản thân mình năm nay. Đó là đề cập đến giá trị cốt lõi của trường cùng với những phẩm chất, kỹ năng của bạn thân hướng tới những giá trị ấy nhằm chứng minh cho Ban tuyển sinh thấy mình là một ứng viên phù hợp.

Các bạn có thể tìm thấy giá trị cốt lõi (thường là những câu ngắn được in nghiêng, in đậm) tại mục giới thiệu trên website của trường hoặc của học viện nha. 

Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh du học Trung Quốc, tại sao không? - Riba.vn

Thư giới thiệu

Các trường bên Trung thường yêu cầu 2 thư giới thiệu từ Phó Giáo sư hoặc Giáo sư đối với những bạn nộp hệ Thạc sĩ nhưng có vẻ do đặc thù của ngành Ngôn ngữ nên trường mình có rất ít Thầy Cô có học hàm cao như vậy(?), mình quyết định xin thư giới thiệu từ những Thầy Cô có chức vụ cao tại trường của mình, từ Thầy Trưởng khoa (Tiến sĩ) và Thầy Hiệu trưởng (Phó Giáo sư) và vẫn được trường bên Trung thông qua bình thường.

Đầu tiên, mình trình bày nguyện vọng với một Cô giáo trực tiếp giảng dạy mình và được Cô cho thông tin liên hệ của Thầy Hiệu trưởng. Ban đầu mình nghĩ Thầy Cô bận như vậy chắc không để ý đến nguyện vọng của một sinh viên nhỏ bé như mình đâu nhưng cuối cùng thì mình vẫn mạnh dạn thử và đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các Thầy Cô.

Mình viết sẵn 2 thư giới thiệu thật chỉn chu, gửi email trình bày nguyện vọng của mình với Thầy Cô, có đính kèm CV để Thầy Cô biết mình là ai và sau đó chỉ đọc, duyệt và ký tên (hoặc đóng cả dấu đỏ) cho thư giới thiệu mà mình viết sẵn, các Thầy Cô rất bận nên không có thời gian viết hay thậm chí là không có cả thời gian sửa cách diễn đạt cho mình đâu.

Các bạn cứ mạnh dạn nhờ sự giúp đỡ từ Thầy Cô nhé, mình tin rằng nếu như bạn thưa gửi một cách lịch sự, trình bày nguyện vọng và kế hoạch rõ ràng chắc các Thầy Cô sẽ không nỡ từ chối giúp bạn đâu. 

Thầy Hiệu trưởng và Thầy Tưởng khoa của mình hết sức tạo điều kiện giúp đỡ mình xong còn chúc mình may mắn trên con đường mà mình đã chọn nữa (mình thực sự cảm động về độ nice và nhiệt tình của các Thầy Cô HANU luôn ạ).

Cuối cùng, các bạn đừng quên gửi lời chúc sức khỏe, công tác thuận lợi đến các Thầy Cô đã tận tình giúp đỡ mình nha.  

Thư chấp thuận

Mình từng tìm hiểu xin thư chấp thuận khi định nộp hồ sơ vào Đại học Chiết Giang nên mình sẵn tiện chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn, chứ còn trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải không yêu cầu thư chấp thuận đối với sinh viên nộp hệ Thạc sĩ nha. 

Những trường top tuyển sinh học bổng thường bắt đầu nhận hồ sơ sớm hơn và kết thúc cũng sớm hơn so với các trường khác, mình nghe các anh chị đi trước nói rằng nộp hồ sơ càng sớm càng tốt, sẽ được ưu tiên hơn một chút.

Đặc biệt, Chiết Đại năm nay yêu cầu bắt buộc sinh viên xin học bổng phải có thư chấp thuận từ Phó Giáo sư hoặc Giáo sư của trường. Tuy nhiên, tại thời điểm nộp hồ sơ, mình vẫn đang còn đi học nên phải đợi đến tầm giữa tháng 2 mới xong xuôi điểm kỳ 7 để xin cấp bảng điểm (trong khi hạn nộp hồ sơ của Chiết Đại là 15/3).

Mình liên lạc với một Giáo sư đầu tiên thì ngay ngày hôm sau đã nhận được hồi âm từ Cô, Cô từ chối mình với lý do Cô quá bận và ngụ ý là đã nhận hướng dẫn đủ sinh viên rồi. Mình tiếp tục lần lượt thử liên hệ 3 Giáo sư nữa nhưng đều không nhận được hồi âm. Do mình chưa đủ ưu tú hay do mình liên hệ Giáo sư khá muộn, khi đó hầu như các Giáo sư đều đã nhận đủ sinh viên rồi nên Giáo sư sẽ tuyển chọn những sinh viên cuối cùng khắt khe hơn, cạnh tranh cao hơn?

Mình cũng không rõ việc nộp muộn cạnh tranh cao có phải lý do mà mình không được nhận hay không, nhưng bạn nào có ý định nộp Chiết Đại trong những năm sau thì hãy cố gắng hoàn thiện hồ sơ và xin thư chấp thuận sớm nhất có thể nhé, biết đâu may mắn sẽ mỉm cười với bạn. 

Giấy khám sức khỏe

Mình khám sức khỏe tại Bệnh viện Y Tế Công Cộng vì khá gần nhà mình. Nhưng cũng vì chủ quan gần nhà nên 8h30 sáng mình mới từ nhà đi và kết quả là mình bị lạc đường, đi lòng vòng tới hơn 9h mới đến nơi (Các bạn đừng như mình nhé :)) ).

Khi đi mình cầm theo 2 ảnh thẻ 4*6, đến đó nói với chị trực quầy là em khám sức khỏe du học Trung Quốc sẽ được đưa cho một tờ hướng dẫn những thủ tục cần khám, đi các phòng khám (không cần theo thứ tự trong tờ hướng dẫn, phòng nào đông người, chờ lâu quá thì mình sang phòng khác khám trước rồi quay lại sau cũng được nha) sau đó chờ đợi lấy kết quả.

Do mình đến muộn nên khám xong thì đã hết giờ trả kết quả xét nghiệm máu của buổi sáng rồi, chị trực quầy hẹn chiều gọi điện cho mình qua lấy kết quả. Các bạn cố gắng đi sớm, khám xong sớm để lấy kết quả ngay trong buổi sáng nha. Nhìn chung, mình thấy bệnh việc sạch sẽ, không quá đông, không phải chờ đợi quá lâu, nhân viên và các y bác sĩ nhẹ nhàng, lịch sự, không nạt nộ hay cáu gắt với bệnh nhân.  

Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh du học Trung Quốc, tại sao không? - Riba.vn

Giấy xác nhận dân sự

Không phải trường nào cũng yêu cầu nộp loại giấy tờ này, các bạn nhớ đọc kỹ yêu cầu của trường để tránh chuẩn bị thiếu hồ sơ nha. Như năm nay thì Đại học Chiết Giang yêu cầu giấy xác nhận dân sự còn Đại học Ngoại Ngữ Thượng Hải thì không cần.

Đây là một trong những thủ tục khiến mình đau đầu nhất trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ nhưng cuối cùng mình lại không dùng tới. Mình nghe nói rằng các bạn ở tỉnh, thành phố nhỏ có thể đến gặp công an địa phương để xin mẫu (hoặc nếu không có mẫu sẵn thì các bạn tự viết), nội dung đại khái là bạn không có tiền án tiền sự, sau đó xin dấu của công an địa phương là được.

Tuy nhiên, mình ở Hà Nội thì công an địa phương không cấp giấy này mà báo mình phải lên Sở Tư pháp thành phố để xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Sở Tư pháp khá xa nhà mình và đợt đó mình cũng bận ôn thi (quan trọng nhất là do mình lười) nên đã đăng ký chuyển phát hồ sơ đến sở Tư pháp theo đường bưu điện. 

Hồ sơ của mình còn thiếu nên bị Sở Tư pháp hoàn về nhưng bên bưu cục khu nhà mình không hề thông báo cho mình biết để mình có phương án xử lý kịp thời.

sinh-vien-chuyen-nganh-ngon-ngu-anh-du-hoc-trung-quoc
Mẫu giấy xác nhận dân sự

Run rủi thế nào mình mình lại chủ động liên hệ với bên bưu cục để hỏi về hồ sơ của mình nhưng các bộ phận của bưu cục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mãi mình mới liên hệ được với người phụ trách chuyển phát hồ sơ lý lịch tư pháp và mới được báo về việc chuyển hoàn hồ sơ.

Nếu như mình vẫn nộp vào Chiết Đại thì suýt chút nữa thì mình đã trễ hạn nộp hồ sơ do cách làm việc của bưu cục và do cả sự lười biếng của bản thân nữa. Sau đó mình đã đến trực tiếp Sở Tư pháp để nộp lại một bộ hồ sơ mới và đóng thêm một khoản tiền và đợi tiếp 15 ngày mới nhận được phiếu lý lịch tư pháp. Các bạn rút kinh nghiệm từ trường hợp của mình kẻo mất tiền, mất thời gian lại còn mất công quạu nha.  

Thi viết đầu vào

Đối với Học bổng Thành phố Thượng Hải thì sau hạn nộp hồ sơ vài ngày trường mới đồng loạt liên hệ ứng viên để gửi đề thi đầu vào. Bài kiểm tra bao gồm 3 – 4 câu tự luận liên quan đến kiến thức chuyên ngành mà bạn sắp theo học. 

Bạn có thời gian làm bài trong khoảng từ 1 – 1,5 ngày, VIẾT TAY, sau đó scan và gửi lại qua mail cho trường. Xác định là đề mở và không thể tìm kiếm câu trả lời ở trên mạng nha.

Dạng đề kiểu này sẽ không có đúng sai, quan trọng là bạn nêu lên quan điểm cá nhân và lấy ví dụ chứng minh cho lập luận của bản thân sao cho thuyết phục.

Một lưu ý cho các bạn đó là dành nhiều thời gian trau chuốt cho bài thi viết tay của mình nhé. Mình soạn câu trả lời trước trên máy tính sau đó chủ quan nghĩ “viết tay cũng nhanh thôi mà” nên mình dành khá ít thời gian cho việc chép câu trả lời ra giấy. 

Kết quả, viết tay khoảng 3 mặt giấy A4 trong khoảng thời gian ngắn khiến tay mình bị chùn và chữ viết không còn được cẩn thận nữa, suýt chút nữa còn quá cả deadline nộp bài. Các bạn đừng như mình nha.

Phỏng vấn

Mình đọc rất nhiều các bài chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn trong các hội nhóm du học và chuẩn bị trước các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn học bổng, ngoài ra, mình còn tự vạch ra những câu hỏi liên quan đến kiến thức chuyên ngành của mình (tổng cộng hơn 10 câu). 

Mình tự tập phỏng vấn một mình, nếu các bạn nhờ được Thầy Cô hoặc bạn bè cùng tập phỏng vấn và góp ý cho bạn là tốt nhất nhé. À, mình cũng chuẩn bị cả mấy câu phỏng vấn bằng tiếng Trung nữa vì mình nộp cả chứng chỉ HSK 4 trong hồ sơ mà.

Trước khi được trường liên hệ phỏng vấn, mình đọc các bình luận trong nhóm của các bạn nộp cùng trường (học bổng CSC, CIS phỏng vấn trước) và cả những bạn nộp các trường khác ở Thượng Hải nữa, đa số đều dùng từ “gắt” để miêu tả phỏng vấn của các trường ở Thượng Hải. 

Một số bạn chia sẻ chuẩn bị trước khoảng 15 câu hỏi phỏng vấn mà không trúng câu nào, tốt nhất khỏi chuẩn bị vì cách phỏng vấn của các trường ở Thượng Hải khá là “khác thường”, bạn không thể đoán trước Thầy Cô sẽ hỏi gì đâu.

Có bạn lại chia sẻ bạn ấy vô cùng lo lắng khi phỏng vấn, luôn động viên bản thân nở những nụ cười thật tươi để tự trấn an bản thân và gây thiện cảm với các Thầy Cô trong Ban tuyển sinh nhưng bốn, năm Thầy Cô mặt đều “lạnh tanh”, khiến các bạn càng căng thẳng hơn. 

Đọc xong những chia sẻ này mình cũng căng thẳng theo. Nhưng nếu như bảo mình đừng chuẩn bị gì cả cứ thế vào phỏng vấn mình sẽ không có cảm giác an toàn.

Vì vậy, mình vẫn chuẩn bị trước câu hỏi phỏng vấn, điều này khiến cho mình thoải mái và tự tin hơn khi phỏng vấn. Kết quả là buổi phỏng vấn của mình không đáng sợ như lời đồn, nhưng mình cũng không quá hài lòng với sự thể hiện của bản thân. 

Phỏng vấn mình chỉ có 2 Thầy Cô và diễn ra trong khoảng 20 phút, Thầy Cô không quá lạnh lùng cũng không quá niềm nở. Câu hỏi phỏng vấn có câu trùng với dự đoán của mình và cũng có câu chưa hề chuẩn bị trước, tuy nhiên, nhìn chung thì câu hỏi không quá đánh đố.

Như đã đề cập ở trên, mình đã chuẩn bị trước một số câu phỏng vấn đơn giản bằng tiếng Trung như giới thiệu bản thân, sở thích sở ghét, điểm mạnh điểm yếu nhưng Thầy Cô lại yêu cầu mình dùng tiếng Trung nêu hiểu biết của mình về trường. 

Mình đã đứng hình mất mấy giây và cảm thấy thật có lỗi với chiếc chứng chỉ HSK 4 296 điểm của bản thân sau khi trả lời Thầy Cô bằng mấy câu tiếng Trung khá là ngốc nghếch.

Sau này khi mình bình tĩnh lại rồi thì cảm thấy câu hỏi tiếng Trung của Thầy Cô không hề khó, mình dùng những cách diễn đạt và từ vựng đơn giản thôi là có thể thể hiện được khá nhiều ý tưởng hay rồi. Khi gặp câu hỏi bất ngờ với vốn ngôn ngữ còn hạn chế, các bạn cứ nở một nụ cười, tự tin, bình tĩnh mà trả lời nhé, đừng như mình nha. 

Mình kể cho các bạn về trường hợp của bạn mình – một minh chứng nữa cho việc giữ thái độ và tâm lý thoải mái khi phỏng vấn có thể giúp bạn thành công.

Một người bạn người Trung của mình năm nay thi nghiên cứu sinh, bạn có kết quả thi viết đầu vào gần như đứng cuối trong danh sách phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn thể hiện thái độ tích cực và tinh thần tự tin, bình tĩnh trong buổi phỏng vấn, thậm chí còn chọc cười Thầy Cô, điều này góp một phần không nhỏ giúp bạn thành công trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Phúc Đán.

Bạn cũng chia sẻ với Thầy Cô về giá trị cốt lõi của trường là những gì mà bạn muốn theo đuổi. Mình nghĩ bạn thành công đỗ vào một ngôi trường chưa chắc bạn đã là người giỏi nhất, nhưng có lẽ bạn là người phù hợp nhất. Khi viết KHHT hay phỏng vấn, hãy cố gắng thể hiện bạn là ứng viên phù hợp nhất nhé.

Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh du học Trung Quốc, tại sao không? - Riba.vn

Một số lưu ý khác

  • Mình nghe nói Học bổng Thành phố Thượng Hải sẽ xét duyệt sau khi trường xét học bổng CSC và CIS nên đừng thấy các bạn khác nộp cùng trường (học bổng CSC và CIS) được kiểm tra đều vào và phỏng vấn xong hết rồi mà sốt ruột nhé, từ từ rồi sẽ đến lượt các bạn SGS, đợi chờ là hạnh phúc. Ngoài ra, hồ sơ của mình chỉ chuyển trạng thái duy nhất 1 lần trên website của trường khi qua vòng xét duyệt của viện chuyên ngành, hồ sơ trên website của SGS đến khi mình đỗ rồi vẫn là trạng thái Submitted.
  • Mình gặp vấn đề trong việc nộp phí báo danh và đã nhanh trí liên hệ anh Duy Riba sử dụng dịch vụ thanh toán hộ. Mình nghĩ anh Duy giúp chúng mình là chính, phí vô cùng tí hon thôi.

Lời kết

Bài viết của có những kinh nghiệm do mình học hỏi từ các anh chị đi trước, cũng có những kinh nghiệm do mình đúc kết ra từ những nước đi ngu ngốc của bản thân. Mình không nhớ mặt điểm tên được hết tất cả các anh, chị, bạn, em mà mình đã tham khảo bài viết chia sẻ kinh nghiệm để mà trích dẫn nguồn, thể hiện sự tôn trọng của mình đối với tác giả :))

Dù sao thì em cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các anh, chị, bạn, em đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm xương máu của bản thân, đặc biệt là anh Trần Ngọc Duy đã tạo ra một cộng đồng nơi mà mọi người giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ như thế này.

Chúc các bạn thành công trong những mùa học bổng sau để xây dựng một cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc ngày càng đông vui!!!

Hãy dành tặng tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền!

Thông tin liên hệ Riba

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *